CTCP Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng vừa công bố hoàn tất chào bán cổ phiếu ra công chúng theo phương án được thông qua tại đại hội cổ đông 2022. Theo đó, doanh nghiệp này đã phát hành hơn 496,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông (tỷ lệ 2:1) với giá 15.000 đồng/cp, thu về khoảng 7.400 tỷ đồng.
Với kết quả này, Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng tăng vốn gấp rưỡi lên hơn 14,9 nghìn tỷ đồng, tiếp tục là công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường Việt Nam, cao hơn gần 3.000 tỷ đồng so với doanh nghiệp ở vị trí số 2.
Vốn huy động về sẽ được bổ sung cho hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay giao dịch ký quỹ.
Chứng khoán SSI phát hành tăng vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều tháng giảm giá và chùng xuống. Thanh khoản trên thị trường tụt giảm từ ngưỡng trên tỷ USD mỗi phiên xuống chỉ còn 15-17 nghìn tỷ đồng.
Thanh khoản và giá giảm khiến triển vọng của các công ty chứng khoán kém tươi sáng. Tuy nhiên, sự suy giảm được cho chỉ là ngắn hạn, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hấp dẫn trong dài hạn khi mà quy mô không ngừng mở rộng và dòng vốn lớn sẽ đổ vào nếu chứng khoán Việt được nâng từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Bài toán lên hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam đã được đưa ra từ cả thập kỷ và theo Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của các nhà chức trách Việt Nam.
Nhiều người kỳ vọng giấc mơ này sẽ sớm trở thành hiện thực, khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá và là điểm sáng trên thế giới. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngang với nhiều nước trong khu vực, với thanh khoản thời kỳ sôi động cuối 2021 đầu 2022 vừa qua vượt Singapore và chỉ xếp sau Thái Lan.
Việt Nam cũng ghi nhận rất nhiều doanh nghiệp quy mô tầm cỡ khu vực như Vingroup, Vinhomes, Vietcombank, Masan, Vinamilk…
Gần đây, các cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam. Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025.
Lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" và dự thảo "Chiến lược Phát triển TTCK tới 2030".
Hồi tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Mỹ đã chứng kiến lễ ký hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) và NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường.
Về cơ bản, Việt Nam sẽ sớm thực hiện được mục tiêu nâng hạng thị trường, khi đó chứng khoán Việt sẽ hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện quy mô vốn của các quỹ phân bổ cho thị trường cận biên chưa tới 100 tỷ USD, trong khi đó dòng tiền dành cho các thị trường mới nổi vào khoảng 6.800 tỷ USD. Sự bùng nổ có thể xảy ra trong một vài năm tới.
Không chỉ SSI, cuộc đua tăng vốn giành thị phần trước khi thị trường chứng khoán bùng nổ cũng đang quyết liệt.
CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa tổ chức ĐHĐCĐ và thông qua nhiều kế hoạch, trong đó có tăng vốn từ mức gần 4,6 nghìn tỷ đồng lên 7,7 nghìn tỷ đồng. HSC nâng cao năng lực tài chính từ nguồn vốn mới. Cũng theo kế hoạch, HSC sẽ mở rộng quy mô kho trái phiếu lên khoảng từ 2.000 đến 3.000 tỷ đồng qua đó tạo kho dự trữ để linh hoạt bổ sung vốn lưu động khi cần thiết. HSC cũng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vay trong và ngoài nước với chi phí hợp lý.
Nhiều CTCK như VNDirect, SHS, VIX Securities và VPBank Securities cũng hoàn thành các đợt tăng vốn. VND tăng vốn từ 4.300 tỷ lên 12,2 nghìn tỷ đồng. VPBank Securities thậm chí tăng vột đột biến từ 269 tỷ lên hơn 8.900 tỷ đồng, nhảy vọt lên vị trí thứ 3 ngành chứng khoán. SHS tăng từ 3.300 tỷ đồng lên 6.500tỷ đồng, VIX tăng từ 2.700 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng.
Nhiều CTCK vốn ngoại cũng ghi nhận vốn lớn như: MASC, KISVN, KBSV,...
Sự thận trọng lên cao
Theo BSC, thị trường chứng khoán hôm 9/8 tiếp tục duy trì xu hướng giằng co trước ngưỡng kháng cự 1.260 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 18/19 ngành tăng điểm, trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về ngành tài chính và xây dựng & vật liệu. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên cả sàn HSX và HNX. Hiện tại, thị trường vẫn đang trong đà kiểm tra trước ngưỡng cản 1.260 điểm. Thanh khoản mặc dù ở mức cao nhưng vẫn cho thấy lực giằng co khá mạnh.
Theo VDSC, thị trường dâng cao và tiếp tục gặp phải áp lực chốt lời mạnh tại vùng giá cao. Với động thái tranh chấp trước vùng cản 1.260-1.283 điểm của VN-Index, thị trường vẫn đang cho tín hiệu về lực cầu thận trọng khi chỉ số tiến sâu vào vùng cản, đồng thời, nỗ lực hấp thụ lực cung vẫn đang tích cực hỗ trợ thị trường. Dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục được hỗ trợ tại vùng 1.253 điểm, vùng 1.275 điểm đối với VN30-Index, và tăng trở lại.
Chốt phiên giao dịch 9/8, chỉ số VN-Index tăng 2,1 điểm lên 1.258,85 điểm. HNX-Index tăng 0,08 điểm lên 301,41 điểm. Upcom-Index tăng 0,54 điểm lên 92,86 điểm. Thanh khoản đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 16,0 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
M. Hà