CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT độc lập của ông Nguyễn Tiến Sơn.

Theo đó, ông Nguyễn Tiến Sơn xin rút khỏi vị trí Phó Chủ tịch HĐQT độc lập vì lý do tuổi đã cao, sức khỏe không còn được đảm bảo cùng với điều kiện cá nhân không cho phép.

Ông Sơn sinh năm 1959, có trình độ cử nhân Luật và được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Trí Việt từ tháng 4/2019. Ông Sơn cũng được biết đến là Thành viên HĐQT Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC).

Sau khi ông Sơn từ nhiệm, ban quản lý Trí Việt sẽ còn lại 5 thành viên. Ông Phạm Thanh Tùng vẫn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Trước đó, ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán Trí Việt và các đơn vị liên quan, trong đó Tổng Giám đốc Đỗ Đức Nam.

Tổng giám đốc Trí Việt Đỗ Đức Nam trước khi bị bắt

Vụ việc xảy ra cùng ngày khi ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch CTCP Louis Holding và trước đó là cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố với cùng tội danh. Đây là động thái các cơ quan chức năng đẩy mạnh làm trong sạch thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán biến động mạnh sau những vụ việc này và sau 2 năm tăng trưởng mạnh trước đó. Không chỉ các cổ phiếu “họ Louis”, “họ FLC”, Trí Việt hay “họ DNP-Tasco”… giảm mạnh, mà áp lực bán cũng tăng đối với hầu hết các cổ phiếu khác, bao gồm cả nhóm trụ cột VN-30.

Trong phiên 9/5, áp lực bán đã khiến gần 360 mã cổ phiếu giảm sàn và VN-Index giảm 60 điểm, rôi về ngưỡng 1.270 điểm. Tính từ đỉnh cao 1.524 điểm hồi đầu tháng 4, chỉ số này đã mất khoảng 250 điểm, tương đương giảm gần 17%.

Trong 30 mã trụ cột nhóm VN-30, có tới 13 mã giảm sàn, gồm: BIDV, Bảo Việt, Vietinbank, Nhà Khang Điền, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Thế Giới Di Động, Petrolimex, Techcombank, GVR, Chứng khoán Sài Gòn, Sacombank, POW, VPBank.

Gần đây, thanh khoản cũng giảm mạnh, xuống quanh ngưỡng 15-20 nghìn tỷ đồng/phiên, thay vì 26-45 nghìn tỷ đồng như trước kia.

Rủi ro biến động mạnh

Theo VDSC, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục chịu sức ép và phải lùi về những vùng giá thấp hơn. Nhiều nhóm ngành trên thị trường đã thủng đáy và bắt đầu hành trình dò đáy mới. Theo VDSC, lực cầu bắt đáy mất hút, thể hiện qua việc không có sự bật nảy về giá và khối lượng khi chỉ số lùi về những vùng hỗ trợ thấp hơn. 

Với trạng thái mất cân bằng như hiện tại, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục chịu sức ép và phải lùi về những vùng giá thấp hơn trong các phiên tới. Dự kiến, VN-Index sẽ có thể dừng giảm ở gần hỗ trợ 1.230 điểm.

YSVN cho rằng, thị trường sẽ kiểm định vùng hỗ trợ kế tiếp 1.225-1.262 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng và nếu VN-Index xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.225-1.262 điểm thì đồ thị giá có thể mở rộng đà giảm ngắn hạn về mức 1.150 điểm. Tuy nhiên, nếu VN-Index xuất hiện nhịp hồi phục trong phiên kế tiếp thì rủi ro ngắn hạn có thể sẽ có chiều hướng giảm.

MBS khuyến nghị hạn chế lướt sóng khi biến động của thị trường đang tăng lên, không bình quân giá xuống và hạ tỷ trọng margin về mức an toàn. Dù vậy, điểm tích cực ở phiên hôm 9/5 là thanh khoản tăng 20% so với bình quân tuần trước.

Chốt phiên giao dịch chiều 9/5, chỉ số VN-Index giảm 59,64 điểm xuống 1.269,64 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội cũng giảm mạnh 20,08 điểm xuống 323,39 điểm. Upcom-Index giảm gần 6 điểm xuống ngưỡng 96 điểm. Thanh khoản khá thấp, đạt tổng cộng 21,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 18,6 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.

V. Hà

Chứng khoán Việt giảm đỏ sàn, dân chơi run sợ dòng tiền sụt giảm

Chứng khoán Việt giảm đỏ sàn, dân chơi run sợ dòng tiền sụt giảm

Cổ phiếu doanh nghiệp Việt giảm mạnh trong phiên sáng 6/5 trong bối cảnh thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, dòng tiền có dấu hiệu chùng lại trong vài tuần qua. Chứng khoán Mỹ đêm qua trải qua một phiên lao dốc.