Sau hơn một tháng, cuộc thi Hoa khôi sông Vàm đã đi đến vòng chung kết, diễn ra vào tối 18/9 tại Long An. 25 người đẹp tham gia tranh tài trong đêm thi quan trọng.
Cuộc thi trải qua các vòng như trình diễn bà ba, áo dài, trang phục thể thao, dạ hội và lựa chọn top 5, top 3 tham gia phần ứng xử. Kết quả chung cuộc, người đẹp Huỳnh Đào Diễm Trinh giành vương miện. Á hậu 1 và 2 lần lượt được trao cho Nguyễn Thanh Thanh và Lâm Huỳnh Ngọc Trân.
Hoa khôi sông Vàm được tổ chức bởi Uni Media - đơn vị nắm bản quyền Miss Universe Vietnam. Song cuộc thi diễn ra với quy mô nhỏ hơn nhiều so với Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam, khâu tổ chức cũng chưa đảm bảo chất lượng.
Diễm Trinh chiến thắng dù ứng xử chưa thuyết phục
Sau nhiều vòng thi, người đẹp Huỳnh Đào Diễm Trinh được xướng tên ở ngôi vị Hoa khôi sông Vàm. Ngoài danh hiệu hoa khôi, Diễm Trinh còn giành giải Người đẹp áo dài và Người đẹp thân thiện.
Cô sinh năm 1998, đến từ Long An. Diễm Trinh có chiều cao nổi bật 1,76 m, số đo ba vòng 85-66-95 cm. Trước Hoa khôi sông Vàm, cô từng ghi tên mình vào top 10 Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2021, top 71 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Bên cạnh đó, người đẹp quê Long An còn hoạt động với vai trò người mẫu, tham gia trình diễn cho nhiều nhà thiết kế trong nước.
Tuy nhiên, ngoài lợi thế về hình thể, Diễm Trinh không có phần thể hiện thuyết phục trong đêm chung kết. Đặc biệt, ở màn ứng xử, người đẹp trả lời dài dòng, ấp úng và không để lại ấn tượng.
Khoảnh khắc đăng quang của tân Hoa khôi sông Vàm. Ảnh: BTC. |
Trong phần ứng xử top 5, Diễm Trinh nhận được câu hỏi từ đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Ngọc Châu: "Theo bạn những phẩm chất như công, dung, ngôn, hạnh có còn được đề cao ở người phụ nữ hiện đại hay không? Đây có phải là một phẩm chất cần có của một tân Hoa khôi sông Vàm hay không?".
Diễm Trinh trả lời: "Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ lột bỏ vẻ ngoài yếu đuối, nâng cao trình độ để góp phần vào sự phát triển xã hội. Tôi tin rằng một Hoa khôi sông Vàm 2022, ngoài sự bản lĩnh, tri thức thì công dung ngôn hạnh cũng sẽ khiến cho cô ấy được yêu thương nhiều hơn".
Khi lọt vào top 3, Huỳnh Đào Diễm Trinh, Nguyễn Thanh Thanh và Lâm Huỳnh Ngọc Trân nhận chung câu hỏi từ giám khảo với nội dung: "Với vai trò là Đại sứ du lịch, bạn hãy giới thiệu du khách đến với vùng đất sông Vàm, Nam Bộ?".
Là người trả lời đầu tiên, Diễm Trinh kể về những danh lam thắng cảnh và đặc sản của Long An. Tuy nhiên, phần trả lời dài dòng của cô được nhận xét như học thuộc lòng.
Các thí sinh khác trong top 5, top 3 cũng gặp những hạn chế tương tự như nói vấp, lúng túng trước những câu hỏi đơn giản. Trên các diễn đàn sắc đẹp, hoa hậu, Á hậu 1 Nguyễn Thanh Thanh (SBD 245) bị chê về nhan sắc lẫn phần trình diễn mờ nhạt.
Sân khấu chật, chất lượng thí sinh không cao
Đêm chung kết Hoa khôi sông Vàm được nhận xét lê thê, dài dòng. Dù chỉ có 25 thí sinh tham gia tranh tài với quy mô nhỏ, ban tổ chức lại kéo dài thời lượng chương trình trong gần 3 tiếng với nhiều phần thi nối tiếp như trình diễn bà ba, áo dài, trang phục thể thao, dạ hội, phần thi ứng xử top 5, top 3.
Trong phần thi áo dài, vì diện tích sân khấu quá hẹp, các thí sinh va chạm, chen lấn nhau khi catwalk. Một số người đẹp phải tìm cách né để tránh đụng tay vào thí sinh đứng cạnh lúc bước về phía trước.
Màn ứng xử ấp úng, vụng về của các thí sinh. Ảnh: BTC. |
Ở phần trả lời ứng xử top 3, người đẹp Diễm Trinh không đeo số báo danh tạo ra sự thiếu đồng bộ so với dàn thí sinh trong chương trình.
Trong phần trình diễn trang phục thể thao, dạ hội, các thí sinh đều để lộ nhiều hạn chế về kỹ năng catwalk lẫn hình thể. Nhiều người đẹp trình diễn yếu, thiếu tự tin và loạng choạng trên sân khấu. Một số thí sinh được nhận xét "catwalk như đi chợ".
Vì những hạn chế kể trên, các phần thi trở nên đơn điệu, nhàm chán, không tạo được sự cuốn hút cần có của một cuộc thi sắc đẹp. Đêm chung kết Hoa khôi sông Vàm qua hình thức livestream chỉ có khoảng 3 nghìn lượt theo dõi với số ít bình luận. Điều này thể hiện cuộc thi không tạo được sự quan tâm từ công chúng.
Thí sinh va vào nhau khi trình diễn trang phục áo dài. Ảnh: BTC |
Hoa khôi sông Vàm cũng chưa thành công trong việc quảng bá cuộc thi, thu hút khán giả. Thực tế minh chứng cho việc ngoài những cuộc thi quy mô cấp quốc gia, lớn như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam,... các sân chơi sắc đẹp nhỏ, khâu tổ chức chưa chuyên nghiệp khó thu hút truyền thông.
Trao đổi với Zing về việc loạn sân chơi sắc đẹp trong nước, ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO của Unicorp - cho biết: "Chuyện nhiều hay ít cuộc thi sắc đẹp không quan trọng. Quan trọng là nếu đặt các cuộc thi hoa hậu như một ngành kinh tế thì khán giả sẽ là người đào thải. Họ sẽ quyết định cuộc thi nào ở lại sau cùng dựa trên mức độ quan tâm. Vài năm tới đây, tôi dự đoán các cuộc thi sắc đẹp giảm lại. Bởi những cuộc thi kém chất lượng bị đào thải hoặc không đủ tiềm lực để mở tiếp. Lúc này, những sân chơi sắc đẹp uy tín, có chất lượng tiếp tục được khán giả theo dõi".
(Theo Zing)