Vũ khí của Indo...
Nhìn lại chặng đường đã qua ở SEA Games 30 của U22 Indonesia, rất rõ ràng đây không phải là đối thủ dễ chơi đối với bất kỳ đội bóng nào, kể cả U22 Việt Nam – những người đã giành chiến thắng duy nhất trước đoàn quân của HLV Indra Sjafri ở vòng đấu bảng.
U22 Indonesia không thật chắc nơi hàng phòng ngự, nhưng các pha tấn công đặc biệt tới từ 2 biên lại vô cùng xuất sắc với sự cơ động không chỉ của các cầu thủ đá cánh mà còn từ những tiền vệ trung tâm sẵn sàng dạt biên để hỗ trợ cho đồng đội.
Saddil (áo trắng) đã từng khiến Tấn Tài khốn đốn ở trận lượt đi |
Phần lớn các tình huống tấn công biên của U22 Indonesia chủ yếu diễn ra bên cánh trái với sự lĩnh xướng của Saddil, Adi Bagas, bên cạnh đó Osvando và Andika sẽ hỗ trợ bằng cách di chuyển rất rộng làm xáo trộn hàng thủ đối phương, hay xâm nhập vòng 16m50...
Cũng cách chơi đó, Rizki Sani đóng vai trò lĩnh xướng cùng lúc từ phía dưới Bahar Asnawi thường xuyên leo biên để hỗ trợ cho đồng đội và tạo sức ép lớn cho đối thủ dọc đường biên bên phải.
Sự tinh quái của Rizki Sani, tốc độ cũng như đầy sức mạnh từ Saddil rõ ràng là thứ vũ khí mạnh nhất mà U22 Indonesia sở hữu, thậm chí còn hiệu quả, nguy hiểm hơn cả cầu thủ đang chơi bóng tại Ba Lan là Egy Maulana Vikri.
... có khiến ông Park phải lo?
Câu trả lời là đương nhiên, khi bàn thua duy nhất trong trận đấu với U22 Indonesia ở vòng bảng bắt nguồn từ một pha tấn công bên cánh phải, rồi sau đó là là tình huống treo vào trong khó chịu từ Bahar Asnawi khiến Bùi Tiến Dũng mắc lỗi.
Thế nhưng, bàn thua hay cả những gì đã “trải nghiệm” sau chiến thắng trước U22 Indonesia chắc chắn chiến lược gia người Hàn Quốc đủ hiểu và biết mình cần làm gì để bịt mọi phương án tấn công mà đội bóng của HLV Indra Sjafri đưa ra.
nhưng mọi chuyện sẽ khác, khi Trọng Hoàng hay Văn Hậu chơi đúng vị trí sở trường |
Và thật may, trong tay HLV Park Hang Seo lúc này lại đang có 2 cầu thủ chạy cánh hội tụ cả sức, kinh nghiệm, tài năng... đủ để hoá giải phương án tấn công được coi sở trường của U22 Indonesia khi ở đó là Văn Hậu (cánh trái), Trọng Hoàng (cánh phải).
Hoàn toàn có thể tin vào điều này, bởi ở trận đấu tại vòng bảng, người được bố trí đá hậu vệ phải của U22 Việt Nam là Tấn Tài chơi thực sự đuối để ông Park buộc phải kéo Trọng Hoàng trở lại vị trí sở trường chơi suốt từ AFF Cup 2018 đến nay mới ổn.
Hoặc cái cách mà Văn Hậu cùng Thanh Thịnh tỏ ra khá hiểu nhau để bịt phần lớn các pha tấn công từ biên phải của U22 Indonesia cũng đủ khiến người hâm mộ yên tâm, ít nhất với phương án phòng ngự từ 2 biên.
Hạn chế tối đa các pha tấn công biên của U22 Indonesia, và từ đó triển khai các tình huống phản công một cách sắc sảo U22 Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ một chiến thắng nhanh và gọn, thay vì phải đợi đến phút cuối cùng trận đấu ở vòng bảng...
Nói một cách khác, một trong 2 đội bóng ai thể hiện tốt hơn miếng đánh sở trường của mình, cơ hội chiến thắng là rất cao. Còn bằng không, có lẽ mọi thứ lại phải chờ đến sự may mắn mất!
Mai Anh