Ngành thú y phối hợp xử lý dịch bệnh chủ động, hiệu quả
Những tháng đầu năm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 bùng phát trở lại, toàn ngành nông nghiệp triển khai hàng loạt các nhiệm vụ quan trọng như phòng, chống dịch bệnh, hợp tác quốc tế mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kiểm dịch động vật, xây dựng chuỗi vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên cạn...
Ảnh minh họa: Duy Khánh |
Cục Thú y đã tham gia đắc lực cùng với Bộ NN-PTNT và các địa phương phối hợp xử lý dịch bệnh chủ động và hiệu quả, đạt được mục tiêu kép theo yêu cầu của Chính phủ. Cục Thú y đã tham gia đắc lực cùng Bộ NN-PTNT kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Theo báo cáo của Cục Thú y, 6 tháng đầu năm 2021 tuyệt đại đa số gia cầm an toàn với dịch cúm gia cầm, gia súc an toàn với dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt không xuất hiện dịch tai xanh tại các địa phương.
Cảnh giác với chủng cúm A/H5N8
6 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh chỉ xảy ra tại 76 xã thuộc 53 huyện của 25 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 313.729 con. So với cùng kỳ năm 2020, số ổ dịch tăng 1,33 lần, số gia cầm tiêu hủy tăng 1,70 lần. Hiện nay, cả nước có 4 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vắc xin. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng.
Vi rút Cúm A/H5N6 lưu hành ở khu vực phía Bắc và miền Trung trong khi vi rút Cúm A/H5N1 tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực phía Nam. Phân bố địa lý các chủng virus cúm gia cầm năm 2021 tương tự như năm 2020.
Tuy nhiên, gần đây, virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N8 lần đầu tiên đã phát hiện tại các ổ dịch xảy ra tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng và Hòa Bình.
Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 khả năng lây lan và gia tăng là rất cao.
Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện một số chủng vi rút cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2,...) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Mức độ nguy hiểm của chủng cúm A/H5N8 là không chỉ làm chết gia cầm mà còn có thể lây lan sang người mà không để lại triệu chứng.
Nếu cơ thể người nhiễm bệnh có bệnh lý nền thì sẽ phát bệnh. Nếu người khỏe, sức đề kháng tốt thì mầm bệnh không phát tác nhưng lưu trữ trong cơ thể và phát triển, biến đổi tiếp đời, có nguy cơ tạo ra những biến chủng bệnh nguy hiểm trên người, trong đó không loại trừ những bệnh có thể lây lan từ người sang người.
Duy Khánh