Nhận định trên được TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - đưa ra tại Tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi” do Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức hôm nay (12/4).
Ông Nghĩa dẫn chứng, nhiều dự án tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh, mức tăng thấp nhất cũng lên tới 15%, có dự án tăng hơn 30%. Như chung cư tại Khu đô thị Ciputra (quận Hồ Tây) hiện hơn 100 triệu đồng/m2. Một số tòa mới ở Khu đô thị Smart City (quận Nam Từ Liêm) giá cũng trên 60 triệu đồng/m2, thậm chí hơn 80 triệu đồng/m2.
Vị chuyên gia đặt vấn đề với mức giá như vậy ai là người mua và cho rằng, việc chung cư tăng giá thời gian qua là hiện tượng “một mình một ngựa” trên thị trường.
“Trong cuộc họp của Chính phủ cách đây nửa năm, Thủ tướng đã chỉ ra thực trạng của thị trường bất động sản là khủng hoảng phân khúc và yêu cầu tập trung vào việc đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp.
Phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ đến thời điểm này gần như thất bại. Trong khi đó, phân khúc chung cư thương mại cứ thế một mình một ngựa thẳng tiến với tốc độ tăng giá đáng sợ. Tôi đánh giá đây là bước lùi về chiến lược nhà ở, xử lý thị trường bất động sản” - ông Nghĩa thẳng thắn nhận xét.
Phân tích lý do giá chung cư tăng nóng thời gian qua, ông Nghĩa cho rằng, là do cung cầu không còn cân đối, thậm chí đi ngược hướng vì cung liên tục giảm.
Nguồn cung mới khan hiếm khiến nhu cầu dồn nén, kết quả là giá nhà liên tục tăng.
Bên cạnh đó, nguồn hàng sơ cấp hạn chế cũng kéo nguồn cung trên thị trường thứ cấp sụt giảm bởi nhóm người có nhà không muốn bán.
“Một căn chung cư trong 2 năm tăng từ 3,6 tỷ lên 7 tỷ đồng, ai cũng nghĩ sẽ còn tăng nữa nên không bán. Việc cung khan hiếm mà cầu tiếp tục tăng khiến cung - cầu không gặp nhau mà gần như đi song song. Trong khi cung ngừng, cầu vẫn đi sẽ tạo ra bong bóng”, ông Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá chung cư thời gian qua tăng nóng đến 30-40%. Nhiều chủ đầu tư chuẩn bị ra hàng cũng nâng giá bán. Ông cảnh báo điều này sẽ dẫn đến tình trạng giá chung cư "bong bóng", làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng phân khúc đang diễn ra.
Tránh để chung cư vỡ “bong bóng”
Nhìn nhận từ thực tế hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý, nếu không cảnh báo từ bây giờ và không sớm thực hiện Luật Đất đai, gỡ vướng đẩy nhanh thủ tục pháp lý, đẩy mạnh nguồn cung mới, tăng tính cạnh tranh cho thị trường, nhất là sản phẩm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ thì thị trường chung cư có thể sụp đổ, vỡ “bong bóng”.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp là giải pháp quan trọng để thay đổi tình trạng khủng hoảng phân khúc hiện nay.
Ông Thịnh kiến nghị cơ quan quản lý cần tháo gỡ triệt để ách tắc về pháp lý, thúc đẩy lượng sản phẩm ra thị trường, gia tăng sự cạnh tranh.
Với các giải pháp đã thực hiện thời gian qua, trong đó gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân với tốc độ rất chậm, chưa đạt 1%, ông Nghĩa cho rằng "không thể chỉ dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên", bởi ngân hàng cũng là tổ chức kinh doanh, ưu tiên lợi nhuận.
TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, Luật Đất đai mới tạo ra cơ hội để khắc phục những vấn đề tồn tại trong thị trường bất động sản nhiều năm qua.
Ông kiến nghị cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, xây dựng chương trình ưu đãi tín dụng mới với nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp để cân bằng thị trường, góp phần hạ giá chung cư.