Về tình trạng chung cư mini phát triển ồ ạt hiện nay, lãnh đạo Bộ TN&MT khuyến cáo: Người dân cần tìm hiểu thông tin về công trình, chủ đầu tư, tính pháp lý… để tránh rủi ro.

Trên địa bàn quận Thanh Xuân, hàng loạt chung cư mini xây dựng “khủng” tại: Số 119 ngõ 12 Phan Đình Giót (phường Phương Liệt), số 22 Thượng Đình nằm ngay mặt đường ven bờ sông Tô Lịch cao 11 tầng, toà nhà 166-168 Khương Đình, số 6 ngõ 122 Vương Thừa Vũ (phường Khương Trung)… Trong đó có những công trình sai phạm nghiêm trọng về mật độ, chiều cao xây dựng nhưng vẫn được tiếp tục hoàn thiện và rao bán rầm rộ như: số 6 ngõ 122 Vương Thừa Vũ; số 119 ngõ 12 Phan Đình Giót…

Trả lời báo Tiền Phong, ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, từ đầu năm 2015, thị trường chung cư mini tại Hà Nội sôi động. Phần lớn chung cư mini đều nằm ở những vị trí “vàng” tại các quận trung tâm như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên, rất thuận tiện cho việc đi lại.

Hơn nữa, chung cư mini còn biết hút khách bằng cách chia căn hộ thành nhiều loại diện tích từ 30 đến 45m2 để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Trên thực tế, nhiều gia đình đã chuyển về ở chung cư mini từ lâu nhưng vẫn chưa được tách sổ. Cũng có khách hàng lường trước được rủi ro nhưng vẫn chấp thuận, vì những hấp dẫn về giá và vị trí địa lý chung cư mini mang lại.

Lãnh đạo Bộ TN&MT khẳng định: Chung cư mini có thể được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở. Đó là, trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này.

Như vậy, Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện tại không có quy định cụ thể về loại hình chung cư mini mà quy định điều chỉnh chung về nhà ở, công trình xây dựng. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Ông Phấn nhấn mạnh: Trường hợp công trình xây dựng không có Giấy phép hoặc xây dựng sai phép thì công trình đó phải được kiểm tra, xử lý theo quy định. Sau khi xử lý, nếu công trình được phép tồn tại và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với diện tích xây dựng sai phép, không phép thì được xét cấp Giấy chứng nhận.

Đối với hàng loạt chung cư mini biến tướng từ dạng “nhà ở riêng lẻ” hoặc “nhà ở kết hợp văn phòng” trên địa bàn quận Thanh Xuân mà báo Tiền Phong đã phản ánh trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ TN&MT cho rằng: Việc xé lẻ công trình khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải xin phép thì cần phải xử lý.

Việc để xây dựng chung cư tràn lan, tự phát không phù hợp quy hoạch tạo ra những rủi ro lớn cho người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp, là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do đó, chính quyền địa phương cần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các vi phạm về sử dụng đất và xây dựng.

Đại diện Bộ TN&MT khuyến cáo, căn cứ vào nhu cầu, điều kiện, người dân có thể lựa chọn các loại hình nhà ở khác nhau. Tuy nhiên, để sở hữu nhà ở, người mua cần tìm hiểu thông tin về công trình, chủ đầu tư, tính pháp lý… tránh rủi ro.

Theo Tiền phong

Mua chung cư mini: Rủi ro luôn rình rập!

Mua chung cư mini: Rủi ro luôn rình rập!

Khi lựa chọn chung cư mini, khách hàng phải đón nhận rất nhiều rủi ro, vì hầu hết các chung cư mini trên địa bàn Hà Nội đều không đủ điều kiện được tách sổ đỏ.