Ban Quản lý chung cư mini 22B ngõ 236/17 Khương Đình (phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa làm việc với các hộ dân sống trong tòa nhà để thông tin hiện trạng các kết cấu bị xuống cấp cần có phương án gia cố.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Phong - Trưởng ban Quản lý tòa chung cư mini số 22B cho biết, hai cột giữa tòa nhà bị nứt vỡ mất khả năng chịu lực. Ngoài ra, bốn cột quanh nhà cùng dầm chịu lực cũng bị ảnh hưởng.
So với bản thiết kế, phần chịu lực của tòa nhà bị khuyết một thanh dầm ra thang máy. Ngoài ra, tiết diện của cột chống nhà nhỏ hơn so với bản thiết kế.
Ông Phong cho biết, mức chi phí sửa chữa sự cố có thể lên đến 4-5 tỷ đồng.
Vẫn theo Trưởng ban Quản lý tòa chung cư mini số 22B, quá trình gia cố phần chịu lực của tòa nhà này cũng phải mất nhiều tháng mới hoàn thành.
Trước thông tin trên, nhiều cư dân ở tòa nhà bức xúc, đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư khi thi công, xây dựng tòa nhà sai thiết kế, ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của hàng chục hộ dân.
Đa số cư dân sống trong chung cư 22B cho rằng, việc thiết kế, xây dựng không đảm bảo kết cấu chịu lực thì chủ đầu tư sẽ phải là người chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Ngày 24/2, gần 60 hộ dân sống trong chung cư mini ở 22B phải di dời ra khỏi tòa nhà. Chung cư mini này có khoảng 60 căn hộ, đã được chủ đầu tư bán cho các hộ dân và sử dụng từ năm 2017 đến nay.
Đến thời điểm các hộ dân phải di dời, một số cột bê tông, cốt thép ở tầng 1 của tòa chung cư này bị nứt toác. Để trợ lực cho tòa nhà, lực lượng chức năng cho gia cố thêm hệ thống giàn giáo bằng sắt chống đỡ xung quanh chân các cột nhà bị xuống cấp. Bên ngoài phần giàn giáo, cơ quan chức năng căng dây báo ‘khu vực cấm vào’ để đảm bảo an toàn cho các hộ dân.
UBND quận Thanh Xuân cho biết, sau khi kiểm tra hiện trạng công trình, với tinh thần đặt an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết, quận đã đề nghị các hộ trong tòa nhà di chuyển.
Quận Thanh Xuân cũng yêu cầu đơn vị liên quan đến tòa nhà thuê đơn vị tư vấn đủ điều kiện, năng lực tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm của tòa nhà.
Đồng thời, thuê đơn vị thi công đủ năng lực, điều kiện để tổ chức sửa chữa, gia cố công trình theo quy định, đảm bảo an toàn sử dụng. Quá trình sửa chữa, gia cố phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và công trình.
Sau khi sửa chữa, gia cố, công trình phải được đơn vị kiểm định và các cơ quan liên quan đánh giá đảm bảo an toàn theo quy định mới tiếp tục đưa vào sử dụng. UBND phường Khương Đình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các công việc nêu trên.
Trao đổi với PV VietNamNet, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai cho biết, chung cư mini này đã được cấp sổ đỏ và các hộ dân sống tại đây là đồng chủ sở hữu.
"Quận Thanh Xuân đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trong quá trình khắc phục, chúng tôi sẽ theo dõi, giám sát để đảm bảo an toàn nhất", bà Mai nói và cho biết nếu các hộ dân có nguyện vọng gì thì đề xuất để chính quyền xem xét theo quy định.