Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc có chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là rất cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cũng như gắn liền quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân với xã hội; bảo vệ quyền lợi người học.
Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Luật Nhà giáo để xin ý kiến góp ý của dư luận. Đáng chú ý có nội dung về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT cho hay, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác.
Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Tại hội thảo khoa học lý luận, thực tiễn về chứng chỉ hành nghề và đạo đức nhà giáo diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia cũng ủng hộ việc này.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT, cho rằng, yêu cầu có chứng chỉ hành nghề thể hiện một bước tiến quan trọng trong nhận thức về việc dạy học. “Trước đây, vào những năm 60, dạy học được quan niệm là một hoạt động ai cũng có thể làm được miễn là có trình độ văn hóa nhất định, mang nặng tính nghiệp dư. Chỉ đến năm 1966, sau khi UNESCO công bố khuyến nghị về nhà giáo, mới có một mệnh đề rất quan trọng: dạy học là một nghề”.
Theo ông Tiến, trên thế giới, khái niệm một lĩnh vực nào đó là một nghề là một bước chuyển rất quan trọng của công việc đó. Để một việc làm trở thành một nghề, phải đáp ứng được 4 điều kiện sau: Phải được đào tạo trình độ đại học; phải có bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp; phải có chứng chỉ hành nghề; có tổ chức nghề nghiệp.
“Khi công bố dạy học là một nghề, đương nhiên đẩy vị thế xã hội của việc dạy học lên nhưng đồng thời cũng buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, muốn dạy học, nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề", ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, điều này để thể hiện rằng dạy học không còn là một hoạt động nghiệp dư nữa mà là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp. Giáo viên là một nhà giáo chuyên nghiệp trong việc dạy học. Chứng chỉ hành nghề xuất phát từ nhu cầu đương nhiên và trở thành điều kiện cần phải bắt buộc ở tất cả các nước trên thế giới.
TS Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, những nghề khi làm việc ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của con người đều cần có cấp phép hành nghề, điển hình như ngành kiến trúc, ngành y tế, chăm sóc sức khỏe...
“Vì vậy, đối với giáo viên - nghề ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người trong tương lai, rất cần phải cấp giấy phép. Thêm vào đó, đối tượng đầu vào của nghề giáo hiện nay cũng rất đa dạng và ngay cả trường sư phạm truyền thống cũng cần phải tìm hiểu thêm mô hình giáo dục. Do đó, việc cấp phép đảm bảo rằng những người đứng lớp đáp ứng được các yêu cầu cần thiết về nghề giáo”, ông Phương nói.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội), cho rằng, tại thời điểm này, giáo viên của chúng ta đào tạo từ ngành Sư phạm ra không thể cứ thế nghiễm nhiên trở thành giáo viên mà cần có công tác đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, việc đưa ra chứng chỉ hành nghề đối với các nhà giáo là rất cần thiết và nếu việc này không được thực hiện, khó phát triển được ngành Giáo dục.
Thậm chí, theo ông Hòa, cần quy định thêm về thời hạn của chứng chỉ để các giáo viên có thể phát triển.
TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với các nghề nghiệp trên thế giới nhằm mục đích đảm bảo chất lượng của ngành nghề đó, gắn liền với yêu cầu, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, ngành nghề đó đối với xã hội.
Ở nước ta, có rất nhiều ngành nghề khác cũng đã có chứng chỉ hành nghề như nghề luật sư, bác sĩ... Do đó, đối với nghề giáo cũng cần phải có chứng chỉ hành nghề. Bởi đối tượng của nghề giáo liên quan đến con người, sản phẩm là nhân cách người học.
“Chúng ta cấp chứng chỉ hành nghề nếu nhà giáo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu chung, nhưng đối với từng bậc học cần có các quy định cụ thể khác”, ông Hiển nói. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề cần phải do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện.
PGS.TS Lê Thái Hưng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo rằng các giáo viên, giảng viên đủ điều kiện và có đủ năng lực, phẩm chất để giảng dạy.
Các cơ quan cấp phép sẽ yêu cầu các ứng viên phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo viên được công nhận, vượt qua các kỳ thi về kỹ năng cơ bản và chuyên môn; đồng thời thường xuyên cập nhật kiến thức để duy trì chứng chỉ qua các khoá đào tạo nâng cao.
Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn bảo vệ quyền lợi của người học bằng cách đảm bảo rằng họ được giáo dục bởi những người có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp. Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên.
“Tại Việt Nam, việc đưa ra quy định bắt buộc về cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo sẽ là một thay đổi căn bản góp phần đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo viên, về cả kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp”, ông Hưng nhận định.
Bộ GD-ĐT cho hay, để có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng về người có “tư cách” nhà giáo, xứng đáng với danh xưng “nhà giáo”; đảm bảo nhà giáo là người đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục và có khả năng hoạt động nghề nghiệp có hiệu quả và làm tăng niềm tự hào nghề nghiệp đối với những người được gọi là “nhả giáo”, dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.
Theo Bộ GD-ĐT, bên cạnh thuận lợi trong công tác quản lý nhà giáo, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo giúp nhà giáo thuận lợi hơn khi tham gia các hoạt động giảng dạy, giáo dục tại các quốc gia khác theo các chương trình hợp tác quốc tế về nhà giáo; thuận lợi cho việc thuyền chuyển nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục, giữa cơ sở giáo dục công lập và dân lập, tư thục; thuận lợi cho người quay trở lại làm nhà giáo sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ công việc khác theo phân công của cơ quan có thẩm quyền...
Một số nội dung quy định chính về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo như sau:
- Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo gồm có: (1) Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; (2) Nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; (3) Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu): (4) Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.
- Người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bên ký kết và còn hiệu lực.
Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi năm, giáo viên có 3 tháng nghỉ hè, do đó khi xét mức lương/giờ làm việc sẽ không thấp hơn các ngành nghề khác. Tuy nhiên các giáo viên lại khẳng định chưa từng có 3 tháng nghỉ hè trọn vẹn.
Bộ GD-ĐT cho biết, việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ giúp nâng cao vị thế của nhà giáo, nhằm phân biệt với những “nhà giáo tự xưng” trên mạng xã hội - vốn không đủ tiêu chuẩn dạy học.