- Thực tế còn nhiều khó khăn nên việc tổ chức cho người VN ở nước ngoài còn giữ quốc tịch gốc được tham gia bầu cử trong nước chưa thể luật định.
Vấn đề trên được đề cập trong phiên họp UBTVQH sáng nay về dự thảo luật bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, có ý kiến đề nghị cần quy định quyền bầu cử, quyền ứng cử chỉ bị hạn chế bằng luật, bổ sung quy định về quyền bầu cử và ứng cử của công dân VN ở nước ngoài và tổ chức bầu cử ở nước ngoài, có thể bầu thông qua hệ thống điện tử hoặc bầu ở đơn vị bầu cử nhất định.
Người dân phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đi bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp tháng 5/2011. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Điều 2 của dự thảo luật quy định: Công dân nước CHXHCNVN đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH, HĐND các cấp theo quy định của pháp luật.
Căn cứ điều trên, ông Lý cho biết, như vậy, quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân được điều chỉnh bằng pháp luật và cũng chỉ bị hạn chế bằng luật.
Công dân VN đã bao gồm người VN ở nước ngoài vẫn còn giữ quốc tịch về nước được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bầu cử.
Chủ nhiệm UB Pháp luật cho hay, vấn đề tổ chức để công dân VN đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài tham gia bầu cử, ứng cử cũng đã được nghiên cứu nghiêm túc.
Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như việc lập danh sách cử tri, việc tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử v.v…
Vì vậy, vấn đề này sẽ tiếp tục được xem xét trong thời gian tới và sẽ bổ sung vào luật khi đủ điều kiện.
Vai trò nào cho Hội đồng bầu cử quốc gia
Nội dung gây tranh luận nhất trong phiên họp là vai trò của Hội đồng bầu cử quốc gia với 2 phương án. Hoặc Hội đồng chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi QH xác nhận tư cách ĐBQH.
Hoặc, bên cạnh các nhiệm vụ mà Hiến pháp đã quy định, đề nghị bổ sung cho cơ quan này một số thẩm quyền như tổ chức bầu cử bổ sung ĐBQH trong trường hợp khuyết đại biểu; chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử ĐB HĐND trong trường hợp thành lập mới, chia, tách, sáp nhập địa giới hành chính; tổ chức để cử tri thực hiện bỏ phiếu bãi nhiễm ĐBQH…
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển không ủng hộ phương án sau vì sẽ tạo ra bộ máy cồng kềnh.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, việc tổ chức Hội đồng không khác nào tổ chức một bộ máy có thể khiến phình biên chế, lãng phí nhân lực.
Trong khi đó, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại ủng hộ phương án sau với lý lẽ nó tiếp cận Hiến pháp mạnh mẽ hơn và không nảy sinh thêm bộ máy biên chế như giải trình của UB Pháp luật. Bà cũng cho rằng, trong nhiều nhiệm kỳ, bà chưa thấy xảy ra việc phải bầu bổ sung ĐBQH, nhưng không có nghĩa là không có. Nhưng nếu có thì sẽ tiến hành theo quy trình bầu cử mà QH quyết định.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chốt rằng nên theo phương án 1 vì ở VN, Đảng lãnh đạo tuyệt đối. Hội đồng bầu cử ở VN không thể như ở các nước có thể chế chính trị đa đảng tồn tại suốt đời. Hội đồng bầu cử không cần kéo dài, bầu cử xong là kết thúc.
Ông cho hay phải căn cứ thực tế để làm luật. Trên thực tế từ QH khoá 1 cho đến nay chưa có trường hợp phải bầu bổ sung, bầu lại ĐBQH. Nếu QH không bầu đủ 500 ĐBQH, thiếu một số thì vẫn có thể hoạt động bình thường, không cần bầu lại, trừ trường hợp tách nhập tỉnh mới phải làm.
Không mở rộng vận động bầu cử Ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức tuyên truyền, vận động bầu cử như vận động theo giới, người ứng cử tự vận động không được UBTVQH ủng hộ. Dự thảo luật giới hạn 2 hình thức vận động bầu cử là gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do UB MTTQ các cấp ở địa phương nơi ứng cử tổ chức và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Phan Trung Lý cho hay, hai hình thức giới hạn trên bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa những người ứng cử, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử. “Đây là những hình thức vận động bầu cử cơ bản, qua áp dụng trên thực tế đã cho thấy sự hợp lý và hiệu quả. Việc bổ sung thêm các hình thức vận động bầu cử khác là không thật sự cần thiết, khó bảo đảm sự công bằng”. |
Linh Thư