Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ rạng sáng 26/2 (giờ Việt Nam) đã bất ngờ tụt giảm phiên thứ 2 liên tiếp, mất gần 900 điểm, cho dù đã có những dấu hiệu hồi phục vào đầu phiên sau cú giảm 1.000 điểm trước đó.
Kết thúc phiên đêm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ bốc hơi 879,44 điểm (tương đương giảm 3,1%) xuống 27.081,36 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 3% xuống 3.128 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,8% xuống 8.965 điểm.
Như vậy, chỉ trong 2 phiên tất cả các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã rời rất xa các đỉnh cao kỷ lục ghi nhận trước đó. Cả 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đã mất khoảng 8% so với đỉnh cao ghi nhận hồi đầu tháng, trong khi đó Nasdaq Composite rớt 9% so với đỉnh cao ghi nhận trong tuần trước. Hàng loạt các cổ phiếu lớn như Apple và Facebook đều đã rơi vào vùng điều chỉnh với mức giảm trên 10%.
Đây cũng là lần đầu tiên trong kể từ cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2008, chỉ số S&P 500 ghi nhận 2 phiên giảm liên tiếp với mỗi phiên giảm ít nhất 3%.
Chứng khoán Mỹ tụt giảm phiên thứ 2 liên tiếp bất chấp nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang duy trì các tín hiệu kinh tế rất tích cực, từ tỷ lệ thất nghiệp thấp cho tới tăng trưởng vẫn được duy trì ở mức khá ấn tượng nhờ hàng loạt các chính sách kinh tế của chính quyền ông Donald Trump 2-3 năm trước đây.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi về một đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể lan rộng trên thế giới, sang cả Mỹ và ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới nói chung cũng như Mỹ đã hiển hiện hơn bao giờ hết khi mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và nhiều nước khác đã chứng kiến các ổ dịch.
Thị trường tài chính toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn do Covid-19. |
Nước Mỹ cũng đã chứng kiến hàng loạt ca nhiễm coronavirus mới và đã chính quyền ông Donald Trump đã buộc phải đối phó khẩn cấp với Covid-19 với một kế hoạch đầu tiên gửi các nhà lập pháp nước này, trị giá 2,5 tỷ USD.
Theo phát ngôn viên của Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng Rachel Semmel, chính quyền ông Trump đã trình quốc hội kế hoạch nói trên nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine chống virus SARS-CoV-2, hỗ trợ các hoạt động chuẩn bị ứng phó dịch, mua sắm các trang thiết bị và vật tư cần thiết.
Nhà Trắng yêu cầu cần có thêm 1,25 tỷ USD và muốn chuyển thêm 535 triệu USD từ khoản tài chính dành riêng cho dịch Ebola…. Bên cạnh đó là khoản tài chính cho Lầu Năm Góc, vốn đang chịu trách nhiệm cách ly những người mới trở về từ Trung Quốc trong 14 ngày tại một số căn cứ quân sự ở California.
Chứng khoán Mỹ - một thước đo mà ông Donald Trump thường sử dụng để xem xét sức khỏe của nền kinh tế Mỹ - chìm trong sắc đỏ còn do giới đầu tư thực sự lo ngại sau phát biểu cuar các quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Myx cho biết Mỹ đã sẵn sàng nếu dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn trong nước.
Các quan chức Mỹ tiếp tục khẳng định dịch Covid-19 cho đến nay vẫn được Mỹ kiểm soát tốt và tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bị ảnh hưởng đáng kể. Dù vậy, sự bùng phát của Covid-19 trên thế giới không khiến các nhà đầu tư an tâm.
Dòng tiền tháo chạy ra khỏi các loại tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán và dồn vào trái phiếu chính phủ Mỹ khiến lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp kỷ lục mọi thời đại: 1,33%.
Dịch Covid-19 tiếp diễn biến phức tạp tại Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng số ca nhiễm trên thế giới tính tới đầu giờ sáng 26/2 đã lên gần 80,4 ngàn người, trong đó có 2.711 ca tử vong.
Số ca nhiễm tăng vọt tại châu Âu, với 12 nước trong khu vực có người nhiễm, trong đó riêng Ý lên 322 ca và 11 người chết.
Tại Mỹ, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) đã cảnh báo sẽ có thêm các ca nhiễm mới tại nước này và các doanh nghiệp, bệnh viện và cộng đồng dân cư tại Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho sự lây nhiễm có thể xảy ra của Covid-19.
Còn CNN, San Francisco đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại thành phố này dù thành phố chưa có ca nhiễm nào với lý do San Francisco cần chuẩn bị trong tình huống virus lây lan trong khu vực.
M. Hà