Việc tìm kiếm dựa trên tín hiệu phát đáp giữa máy bay và vệ tinh (có tần suất 01 giờ một lần) khiến cho việc định vị máy bay là gần như không thể và MH370 có lẽ sẽ trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của hàng không thế giới.
LTS: Hộp đen máy bay gặp nạn của hãng hàng không Air Asia đang dần được giải mã. Nhưng còn đó những bí mật chưa được hé lộ của hàng loạt tai nạn hàng không khác năm qua. Xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Khánh Linh về những gì mà ngành này có thể làm để hạn chế thảm họa.
Năm 2014 vừa khép lại với nhiều sự kiện đáng buồn cho ngành hàng không thế giới.
Đầu năm là sự mất tích bí ẩn của MH370. Một cuộc tìm kiếm quy mô bậc nhất thế giới được tiến hành song đến nay tăm hơi vẫn biệt tích. Và ngay tiếp sau đó là MH17.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2014, chuyến bay QZ8501 của AirAsia Indonesia đã bị rơi trên đường bay, trong điều kiện thời tiết xấu. 155 hành khách và 7 phi hành đoàn thiệt mạng. Hộp đen máy bay hiện đang được giải mã dần.
Trừ thảm họa của MH17 với nguyên nhân được nghi ngờ là do hành động có chủ đích, các chuyến bay gặp nạn nói chung đều có nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan. Ngành hàng không thế giới đã làm gì để ngăn chặn - hay ít nhất, giảm nhẹ những sự cố như vậy?
Hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay QZ8501 đã được vớt lên vào 12/1. Ảnh: EPA |
Sau vụ việc xảy ra với chuyến bay MH370, một trong những nội dung được đưa ra bàn thảo tại hội nghị lần thứ 199 của IATA (Hiệp hội hàng không dân dụng quốc tế) tại Doha (Qatar) là triển khai áp dụng những phương thức bổ sung trong việc theo dõi các chuyến bay.
Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra, tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, thiết lập hệ thống theo dõi chuyến bay dựa trên cơ sở truyền dữ liệu vị trí liên tục, theo thời gian thực, thông qua hệ thống vệ tinh hoặc trạm mặt đất. Giải pháp này cho phép vị trí của máy bay được theo dõi và ghi nhận liên tục bởi một trung tâm lưu trữ độc lập và đương nhiên dữ liệu sẽ không bị mất đi cho dù có chuyện gì xảy ra với chuyến bay. Phương thức này sẽ cho phép lực lượng tìm kiếm cứu hộ có ngay thông tin chính xác về quỹ đạo thực và vị trí của máy bay tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình bay.
Thứ hai, kéo dài thời lượng sử dụng pin của bộ phát tín hiệu khẩn cấp của máy bay lên một mức cao hơn so với mức 30 ngày như hiện nay. Giới hạn dung lượng pin ở mức 30 ngày đồng nghĩa với việc mọi cố gắng tìm kiếm hộp đen dựa trên tín hiệu báo vị trí khẩn cấp phải được hoàn thành trong vòng 30 ngày, vì ngoài thời gian đó, mọi tín hiệu đều đã tắt. Việc tăng dung lượng pin sẽ cho phép kéo dài thời gian tìm kiếm. Sau các sự vụ đã xảy ra, có thể thấy là thời gian 30 ngày là không đủ.
Thứ ba, hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn khả năng can thiệp của tổ bay trong chuyến bay đến hoạt động của hệ thống theo dõi chuyến bay và thiết bị thông báo vị trí khẩn cấp (Emmergency Locator Transmitter – ELT). Vụ việc MH370 là một minh chứng rõ ràng nhất cho đề xuất này. Các hệ thống theo dõi chuyến bay đã bị tắt đi một cách có chủ ý bởi hành động của một ai đó trên chuyến bay, khiến cho việc tìm kiếm máy bay sau đó trở nên hết sức khó khăn.
Việc tìm kiếm dựa trên tín hiệu phát đáp giữa máy bay và vệ tinh (có tần suất 01 giờ một lần) khiến cho việc định vị máy bay là gần như không thể và MH370 có lẽ sẽ trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của hàng không thế giới. Đề xuất này hết sức hợp lý bởi người ta hầu như không có lý do gì để cho phép một chuyến bay dân dụng được phép đoạn tuyệt giao tiếp với thế giới, cho dù là theo ý muốn của bất kỳ ai.
Thứ tư, các quốc gia trở nên cởi mở hơn trong việc chia sẻ các dữ liệu về chuyến bay, đặc biệt trong trường hợp có sự cố. Trong vụ MH370, sự chậm trễ trong việc công bố thông tin về chuyến bay khiến nhiều người nghi ngờ về động cơ và nguyên nhân thật sự của vụ mất tích. Nhiều giờ đồng hồ đã trôi qua kể từ khi máy bay mất tích cho đến khi thông tin được công bố chính thức khiến cho nỗ lực tìm kiếm bị mất đi những khoảng thời gian quý giá.
Nếu thông tin được công bố sớm, rất có thể các phương tiện radar và vệ tinh có thể chủ động tìm kiếm được máy bay trước khi nó kết thúc hành trình ở đâu đó sau hơn 04 giờ bay còn lại. Những thông tin được tiết lộ dè dặt và đôi khi mâu thuẫn của các nhà chức trách Malaysia càng khiến cho người ta càng cho rằng đề xuất này là cần thiết.
Và ngành hàng không đã làm gì?
Tiếc thay cho đến nay, không làm… gì cả.
Tất cả các đề xuất trên vẫn chỉ tồn tại trong văn bản. Chưa có một kết quả cụ thể nào từ phía các nhà sản xuất máy bay hay các tổ chức quốc tế về hàng không dân dụng để các đề xuất này thành hiện thực. Tổ chức hàng không dân dụng thế giới ICAO đã từng bị chỉ trích vì không hối thúc Ukraina đóng cửa hoàn toàn không phận trong bối cảnh an ninh bị đe dọa để dẫn đến thảm họa MH17, cho đến nay vẫn chần chừ trước những đòi hỏi xác đáng này.
Việc liên tục theo dõi các chuyến bay, nhanh chóng xác định vị trí máy bay gặp nạn sẽ giúp công tác cứu hộ tiến hành nhanh chóng và hiệu quả. Chúng ta có sơ sở để hy vọng các hành khách của QZ8501 sẽ không phải tuyệt vọng sau nhiều giờ chờ đợi nếu lực lượng cứu hộ được triển khai kịp thời.
Việc tìm kiếm và khai thác thông tin của hộp đen sẽ giúp các nhà sản xuất máy bay và các hãng hàng không rút ra những bài học kinh nghiệm, thay đổi thiết kế và phương thức vận hành máy bay để tránh những thảm họa tương tự. Những đề xuất trên nếu được áp dụng sẽ mang lại những lợi ích không thể đo đếm.
Bất kể sự thật hàng không là một trong những phương tiện vận tải an toàn bậc nhất, vẫn còn đó những đòi hỏi an toàn chưa được đáp ứng, như một món nợ của ngành hàng không đối với khách hàng.
“Sự biến mất của chuyến bay MH370 đã thúc đẩy những nỗ lực thiết lập một quá trình cho phép theo dõi chính xác vị trí của một máy bay cho dù nó ở bất kỳ đâu trên thế giới. Ở một thời đại mà sự chuyển dịch của mỗi cá nhân dường như đều được theo dõi, không thể tin được một máy bay lại có thể biến mất một cách đơn giản như vậy, và cũng không thể tin được là hộp đen của nó lại khó tìm đến thế." (Trích nội dung tài liệu chương trình hội nghị IATA lần thứ 199). |
- Nguyễn Khánh Linh