- Thách thức đang dần hiện rõ. Cho đến nay, vẫn chưa thấy rõ động lực đột biến nào cho tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2018 so với sức bật 2017.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chia sẻ như vậy tại chương trình Bàn tròn trực tuyến của VietNamNet.
Chương trình Bàn tròn trực tuyến kỳ này của VietNamNet có chủ đề: "Kinh tế Việt Nam trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” Ba khách mời tham gia gồm: - Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)- Đại học Quốc gia Hà Nội - TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển (DEPOCEN) Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt với mức tăng GDP quý 1 và quý 2 đều được đánh giá là cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, thách thức vẫn đang còn rất lớn khi tăng trưởng quý sau đang thấp hơn quý trước và lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại. Đặc biệt, bối cảnh rất đáng chú ý là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức được bắt đầu với động thái Tổng thống Mỹ tuyên bố áp đặt thuế nhập khẩu cao lên hàng hóa của Trung Quốc. Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Vậy đâu sẽ là động lực để kinh tế Việt Nam giữ vững mục tiêu tăng trưởng 6,5- 6,7% mà Quốc hội đã thông qua và thậm chí là có thể đạt tới 6,8% trong năm nay như kịch bản Chính phủ đề cập tới? Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải làm gì để ứng phó với những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ bên ngoài dội vào? Chương trình Bàn tròn trực tuyến được đăng tải theo 3 phần. Tại phần I, các diễn giả đã phân tích sâu sắc nhận diện về bức tranh GDP, CPI của Việt Nam hiện nay, cùng các khuyến nghị cần thiết.
|
XEM PHẦN I TALKSHOW TẠI LINK SAU:
Tăng trưởng giảm, lạm phát bất thường: Sức ép tiềm ẩn
Sức ép lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô đã xuất hiện khi GDP quý giảm dần trong khi CPI lại tăng lên. Lạm phát đã có những bất thường và có thể vượt mục tiêu 4% trong năm nay.
SỨC ÉP TIỀM ẨN THÁCH THỨC RỦI RO ĐANG DẦN HIỆN RÕ
Nhà báo Phạm Huyền: Tăng trưởng kinh tế, lạm phát và những con số vĩ mô sau mỗi lần công bố thì thường gây ra những tranh luận khá mạnh mẽ. Vậy xin được cùng các vị khách mời và bạn đọc nhìn nhận lại bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay.
Thưa ông Trần Quốc Phương, đại diện Bộ KH&ĐT, ông đánh giá như thế nào mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, đang rất tích cực tươi sáng hay có những điều gì cần cảnh báo?
Ông Trần Quốc Phương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Nhận định chung là rất tích cực.
Trong đó, thể hiện ở mấy chỉ số chính: tăng trưởng GDP đạt 7,08 %, tiếp nối được đà tăng trưởng cao từ quý IV/2017 đến nay. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát mà mục tiêu Quốc hội đã đặt ra là khoảng 4%.
Về xuất nhập khẩu, chúng ta vẫn đạt mức xuất siêu khá cao 2,7 tỷ USD. Các chỉ số khác liên quan đến đầu tư nước ngoài, đăng ký doanh nghiệp hay các chỉ số về thị trường nội địa vẫn cho thấy mức độ rất tích cực của nền kinh tế.
Tôi cũng nhất trí với nhận định của chị, mặc dù như vậy nhưng chúng ta cũng cần hết sức thận trọng với thời gian còn lại của năm 2018, nhất là các thách thức đang dần hiện rõ. Đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã nổ ra.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, đó là góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước, vậy với góc nhìn của các viện nghiên cứu độc lập như Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, PGS.TS Nguyễn Đức Thành có thể nói gì về điều này?
PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Nhìn vào số liệu của 6 tháng đầu năm thì đúng như ông Phương vừa mô tả rất chính xác. Chúng ta vẫn nhìn thấy quán tính của sự tăng trưởng cao với những thành tích về kinh tế của chúng ta vẫn rất tốt.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), ĐHQGHN (ảnh: Phạm Hải) |
Chỉ có điều, nếu chúng ta nhìn về triển vọng của những quý tiếp theo thì có thể thấy những rủi ro đã bắt đầu xuất hiện. Đây là điều cần lưu ý cho các nhà điều hành, quản lý.
Về số liệu, chúng ta đều đã biết rồi. Nhưng còn mấy điểm nữa cũng cho thấy những điểm bất thường cần phải lưu ý.
Thứ nhất, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động theo thống kê tăng bất thường so với cùng kỳ năm trước: tăng lên tới 75%, con số hơi đặc biệt. Vì sao lại như vậy và nó tích lũy theo thời gian như thế nào thì chúng ta sẽ giải thích thêm.
Đồng thời, số việc làm mới đang ngày càng giảm dần. Đây là điểm có thể cho thấy rằng thị trường lao động hoặc các vấn đề trong sản xuất đang có tín hiệu ban đầu nào đó.
Ngoài ra, cán cân ngân sách của chúng ta bước sang quý 2 bắt đầu thâm hụt trở lại. Điều này cũng phù hợp khi chúng ta đang bắt đầu tăng chi tiêu, còn các nguồn thu thì vẫn khiêm tốn.
Còn lại, các chỉ số khác vẫn tăng ở mức tương đối cao nhưng bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Vì thế chúng tôi cho rằng các rủi ro sẽ đến, đặc biệt là khi các biến vĩ mô buộc phải thay đổi. Ví dụ vấn đề về tỷ giá cuối quý 2 bắt đầu có sự thay đổi, chông chênh và tỷ giá đã vượt qua ngưỡng 23.000 đồng/USD. Ngoài ra, các vấn đề khác xuất hiện khiến chúng ta có thể e ngại. Ví dụ, thị trường bất động sản chẳng hạn, đã bắt đầu chững lại từ trong quý 2.
Bây giờ, nếu như lạm phát ngóc đầu quay lại, như ông Phương nói, nếu tính theo chỉ tiêu tĩnh vẫn còn chưa chạm đến 4%. Nhưng với tốc độ tăng tương đối bất thường như hiện nay, nhìn vào triển vọng đến hết năm thì năm nay lạm phát sẽ vượt 4%.
Giới tài chính rất lo ngại, họ phản ứng rất rõ. Ít nhất, chúng ta có thể thấy họ lo ngại lãi suất có thể phải điều chỉnh, ít nhất là lãi suất danh nghĩa. Mà nếu lãi suất điều chỉnh thì lập tức, toàn bộ thị trường tài sản, trong đó có thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Vì thế, có thể nó đã có những điều chỉnh như chúng ta thấy trước rồi.
Tôi nghĩ đó là những điểm cơ bản trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam mà chúng ta cần lưu ý.
LẠM PHÁT CÓ ĐANG BẤT THƯỜNG?
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa TS Nguyễn Ngọc Anh, ông có đồng tình với ý kiến của ông Phương và ông Thành hay không?
TS. Nguyễn Ngọc Anh: Tôi khá là đồng tình với ý kiến của hai anh. Hai anh đã phân tích khá sâu về những vấn đề nội bộ của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi muốn nhìn ra bối cảnh kinh tế thế giới để rồi sẽ nhìn lại nền kinh tế Việt Nam.
Mọi người có thể nhìn thấy trong vòng một năm qua, tăng trưởng kinh tế khá dễ và khá thuận tiện bởi kinh tế thế giới tăng trưởng ở mức tốt, đặc biệt là những nền kinh tế lớn.
Việt Nam là nước có tốc độ mở khá tốt, xuất khẩu nhiều, thu hút FDI nhiều, nên khi những nước khác tăng trưởng tốt thì mình cũng nương theo đó mình tăng. Chuyện nước nổi bèo nổi cũng là chuyện rất bình thường.
Tuy nhiên, theo một số dự báo của một số tổ chức quốc tế thì nền kinh tế thế giới có vẻ bắt đầu giảm tốc độ vào cuối năm 2019. Hiện nay, người ta dự báo khoảng 4% cho GDP toàn cầu năm 2018 và sẽ giảm tiếp vào cuối 2019. Đó là xu hướng giảm dần.
Nhưng chân trời chính sách còn thay đổi nhiều, cho nên chúng ta cần quan sát để xem sắp tới có những rủi ro gì. Ví dụ gần đây là rủi ro của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, là việc các nước đang bắt đầu thu hẹp không gian tài khóa của mình lại. Đồng thời ở các nước đang phát triển là sự tăng trưởng nhiều của thị trường nông sản hoặc giá dầu bắt đầu có xu hướng thay đổi. Đấy là những điều giới chính sách cần quan sát.
TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) (ảnh: Phạm Hải) |
Lúc nãy, TS. Thành có nói đến chuyện lạm phát 4%. 4% là mức Chính phủ cam kết với Quốc hội về ngưỡng lạm phát năm 2018. Nhưng quan điểm của một nhà nghiên cứu kinh tế độc lập, tôi lại cho rằng, ở các nước đang phát triển thì phải lạm phát một chút.
Các nước phát triển rồi thì lạm phát ở mức 4% là có vẻ hơi cao, có thể đáng lo ngại. Nhưng ở các nước đang phát triển thì 4% là rất bình thường, không lạm phát thì mới là lạ. Cần có một chút lạm phát thì mới tăng trưởng.
Đây hoàn toàn là quan điểm cá nhân tôi, lạm phát 5% – 6% hay 7% là một ngưỡng chấp nhận được, nên việc Chính phủ cam kết kiểm soát ở mức 4% với Quốc hội, tôi nghĩ hơi thấp.
Vì Chính phủ đã cam kết rồi, cho nên khi lạm phát đến 3,2% như hiện nay thì không gian điều hành chính sách sẽ thấy là còn hạn chế.
Nhưng nếu chúng ta bỏ qua cam kết đấy, nhìn điều hành kinh tế nói chung xem thế nào là đảm bảo sự tăng trưởng tốt, chúng ta không bám vào mục tiêu kinh tế cứng thì mức 4% vẫn rất thấp và mức 3% hiện nay không phải vấn đề đáng để quan ngại cả.
Đặc biệt, nếu chúng ta nhìn 10 năm về trước, chúng ta đã có lúc lạm phát đến 27 – 28%. Với mức 4%, có thể có người này người khác lo lắng bởi vì nó thay đổi cái này cái kia nhưng đánh giá tổng thể nền kinh tế, tôi chưa thấy rằng lạm phát quá 4% là vấn đề quá phải quan ngại.
Tất nhiên khi có biến động chỉ số vĩ mô thì giới quản lý chính sách, quản lý kinh tế, nghiên cứu cũng phải tham gia giám sát vấn đề này.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi nhớ giai đoạn lạm phát lên tới 27 – 28% như ông nói thì lúc đấy lãi suất ngân hàng cũng rất cao hơn 20% và chúng ta thì có những gói kích cầu, cũng để lại rất nhiều ảnh hưởng không muốn.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Lạm phát là một chỉ báo chúng ta cần rất thận trọng lưu ý. Tôi cho rằng, lạm phát tăng lên một cách bất thường, như anh Phương đã chia sẻ và các nhà quan sát đều thấy điều đó.
Nhưng ở đây, TS. Nguyễn Ngọc Anh có nói rằng lạm phát ở các nước đang phát triển có thể có mức nhất định nào đó.
Chúng tôi theo dõi rất kỹ trong thời gian gần đây thì thấy, đối với các nước phát triển, lạm phát mục tiêu thường là khoảng 2%.
Bởi vì, lạm phát mà cứ kéo dài liên tục thì dần dần phải điều chỉnh giá cả lại, đặc biệt là giá vĩ mô lớn ví dụ như lãi suất và tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá. Mỗi lần điều chỉnh như vậy là gây ra cú sốc rất lớn cho nền kinh tế. Vì thế ở các nước phát triển, mọi thứ được ổn định rồi, họ thường xác định dưới 2% thì ổn định.
Đối với các nước đang phát triển, do cấu trúc thay đổi rất nhanh và như ông Ngọc Anh nói, lạm phát có thể cao hơn chút.
Nhưng riêng với nền kinh tế Việt Nam theo tôi quan sát thì khác. Nếu vượt khoảng 5 đến 6% thì chỉ 2 năm thay đổi như vậy thôi, giá đã thay đổi đến 12%.
Ghi hình tại trường quay Bàn tròn trực tuyến, từ trái sang phải: PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nhà báo Phạm Huyền, Vụ trưởng Trần Quốc Phương, TS Nguyễn Ngọc Anh (ảnh: Phạm Hải) |
Trong khi đó, giá ở một số lĩnh vực, ví dụ như tỷ giá, giá điện, giá nước là có sự can thiệp của Nhà nước. Khi thị trường mất cân bằng, Nhà nước phải điều chỉnh và như vậy sẽ gây ra những cú sốc, từ đó gây ra sự xáo trộn trong nền kinh tế và các doanh nghiệp lại bắt đầu lo lắng, hốt hoảng.
Đặc biệt là lãi suất nếu phải thay đổi trong khi doanh nghiệp kỳ vọng lạm phát ổn định ở mức cao thì sẽ rất bất lợi cho nền kinh tế và có thể đẩy đến những hệ lụy ở trong nền kinh tế thực.
Vì thế, theo kinh nghiệm của tôi, lạm phát dưới 5% đối với nền kinh tế Việt Nam là tương đối có thể kiểm soát được và Ngân hàng Trung ương cũng có thể sử dụng các nguồn tiền tệ để can thiệp khi cần thiết.
Quốc hội và Chính phủ đồng thuận với nhau ở mức kiểm soát 4%, đây là mức tương đối thận trọng, để nếu chẳng may vượt qua chỉ tiêu thì vẫn còn tiếp tục ngưỡng 5%, có thể chấp nhận được.
Chúng tôi cảnh báo rằng, mục tiêu lạm phát 4% trong năm nay có thể sẽ bị vượt qua và lạm phát sẽ hướng về mức 5%. Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước nếu có thể kiểm soát sớm để đưa lạm phát ổn định, không gây ra những cảm xúc hay những vấn đề của thị trường như tỷ giá lại tăng hay lãi suất phải rục rịch tăng hoặc đơn giản là không giảm.
Trong điều hành tiền tệ hiện nay, tôi thấy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rất chặt chẽ. Lạm phát lõi tương đối thấp dưới 2%, hiện chỉ 1,4% và còn đi xuống. Điều đấy cho thấy điều hành về chính sách tiền tệ chặt chẽ.
Nhưng khoảng vài quý gần đây, tôi thấy trên thị trường, việc bơm hút tiền đang có khuynh hướng lỏng hơn.
Ví dụ trong nửa đầu năm vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã mua khoảng 11 tỷ USD theo như Thống đốc đã cho biết. Tôi tính nhẩm, ta đã bơm tương đương ra thị trường khoảng với khoảng 240 nghìn tỷ tiền Việt. Nhưng tổng hút dòng trên thị trường, tôi tính toán thấy khoảng 65 nghìn tỷ thôi, tức là đâu đó khoảng 170 nghìn tỷ được bơm dòng ra ngoài. Đây cũng không phải con số quá lớn.
Nhưng thường thì ở giai đoạn trước, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tương đối chặt chẽ theo hướng, đẩy tiền Việt đi bao nhiêu thì sẽ hút gần như hết chỗ đó về, trong khi giai đoạn này, có vẻ tiền được đẩy nhiều cho nền kinh tế hơn.
Phải chăng đó là yếu tố có thể chưa lớn nhưng cũng góp phần vào làm cho có những rục rịch về lạm phát?
Tôi nghĩ chính sách của chúng ta hiện nay vẫn còn không gian tương đối rộng để điều chỉnh vấn đề này.
PHẢI LÀM ĐƯỢC NHIỀU VIỆC, TĂNG TRƯỞNG NĂM 2018 MỚI ĐẠT 6,7%
Nhà báo Phạm Huyền: Quan sát trong những năm gần đầy và đặc biệt là so sánh giữa năm ngoái và năm nay, chúng ta nhìn thấy những năm trước, diễn biến thường là GDP quý sau cao hơn quý trước và lạm phát thì thấp dần.
Nhưng năm nay thì ngược lại, GDP của quý sau lại thấp hơn quý trước và lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại. Trong khi đó, gần đây có các đề xuất tác động đến giá cả, ví dụ như tăng thuế môi trường đối với xăng dầu sẽ ở mức kịch trần lên 4000 đồng/lít.
Liệu diễn biến như vậy có đáng lo ngại hay không? Thưa ông Trần Quốc Phương, ông suy nghĩ như thế nào?
Ông Trần Quốc Phương: Liên quan đến mô hình diễn biến tăng trưởng theo quý thì đúng là, các năm trước đây thì chúng ta quen với từ "quý sau cao hơn quý trước" để thấy được bức tranh, cũng như sự tiến bộ của nền kinh tế trong một năm.
Năm nay có mô hình hơi ngược lại một chút là tăng trưởng các quý trước cao và sẽ giảm dần ở các quý sau. Tuy nhiên, nhìn một các tổng thể thì chúng ta thấy rằng, đối với tăng trưởng theo quý này, nếu tính bình quân để tính cho cả năm thì chúng ta phải bám vào mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra.
Năm nay, trong Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra tăng trưởng từ 6,5% đến 6,7%. Rõ ràng, khi quý I tăng đến 7,45% thì những quý sau không thể đạt được mức cao như vậy.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư (ảnh: Phạm Hải) |
Có hai lý do cơ bản. Một là tăng trưởng kinh tế quý I/2018 như lúc nãy anh Thành nói là tiếp nối của quý IV/2017, tức vẫn đang có sức rướn tốt và nền kinh tế tăng trưởng tốt.
Lý do thứ hai, về mặt toán học, chúng ta thấy rằng, khi tính tốc độ tăng trưởng, chúng ta phải so với một cái gốc nào đó. Chúng ta đang so với gốc của năm 2017. Và chúng ta biết rằng năm 2017, quý I tăng trưởng GDP rất thấp chỉ hơn 5% thôi. Quý I/2018, GDP tương đương gần như bằng quý IV/2017, khi so với gốc thấp như vậy thì sẽ đạt được kết quả rất cao về tỷ lệ tăng %.
Nhìn tiếp về các quý sau, chúng ta lại nhìn thấy một mô hình ngược lại là các quý IV và quý III/ 2017 tăng rất cao. Năm 2018, dự báo thì chưa thấy rõ được động lực mang tính đột biến của nền kinh tế để có thể có được một bước nhảy so sánh vượt bậc so với quý rất cao của năm 2017.
Do vậy, với tốc độ tăng GDP như thế này, nếu không có gì biến động lớn thì khả năng các quý sau so với quý III, quý IV/2017, GDP ước tính sẽ đạt khoảng từ 6,3 đến 6,6%. Trung bình dự báo là như vậy.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải làm được rất nhiều việc thì chúng ta mới đạt được con số tăng trưởng đấy. Bình quân hai quý cuối năm nay phải đạt khoảng 6,4 hơn 6,4% một chút thì chúng ta sẽ đạt mục tiêu GDP cả năm 2018 là 6,7%.
Đấy là nhiệm vụ cũng như mục tiêu phấn đấu của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chỉ số về lạm phát cũng hơi ngược với năm ngoái. Năm ngoái chúng ta có chỉ số CPI bình quân hàng tháng theo mô hình giảm dần. Đầu năm, CPI ở mức gần 5% xong cứ giảm dần đến cuối năm thì xuống dưới 4%. Năm nay, đầu năm CPI rất thấp nhưng lại có xu hướng tăng dần nếu tính theo bình quân.
Về mặt toán học mà nói, cũng tương tự như GDP thôi, khi chúng ta so với một gốc có sự thay đổi theo chiều hướng ngược lại thì kết quả sẽ cho xu thế khác của năm nay.
Tuy nhiên, tôi đồng ý với ý kiến của anh Thành là sức ép đối với lạm phát năm nay, chúng ta có thể nhìn thấy khá rõ qua kết quả hai tháng 5, 6 vừa qua cho thấy là mức tăng khá cao. Tháng 5 so với tháng 4, CPI là 0,55% và tháng 6 so với tháng 5 là 0,61%. Đây là mức cao trong bối cảnh chúng ta muốn đạt mục tiêu lạm phát cả năm dưới mức 4% .
Trong báo cáo tới Chính phủ, chúng tôi cũng dự báo là từ nay đến cuối năm, lạm phát bị tác động bởi 2 chiều hướng.
Thứ nhất là chiều hướng từ bên ngoài bởi giá dầu và giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Thứ hai là trong nước, chúng ta sẽ còn một số đợt giá sẽ lên. Ví dụ như vào năm học mới thì mức chi tiêu của người dân cũng tương đối lớn, giá sẽ cao. Và đặc biệt là cuối năm, chúng ta đều biết rằng, tất cả các tháng cuối năm từ trước đến nay đều có sức ép về giá.
Cho nên, chúng tôi cho rằng, đối với công tác điều hành, kiểm soát lạm phát của Chính phủ cũng hết sức cần phải quan tâm và chú trọng thì chúng ta mới đạt được mục tiêu đã đề ra.
THẬN TRỌNG TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH VĨ MÔ
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, liên quan đến câu chuyện về tốc độ tăng trưởng kinh tế thì vấn đề căn cơ và cốt lõi nhất là câu chuyện đời sống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Vậy ông có thể lý giải tại sao ở thời điểm này các con số tăng trưởng của chúng ta lại cao như thế không , đặc biệt gần đây các dự báo của các tổ chức độc lập đưa ra thậm chí còn cao hơn cả mức mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang công bố?
Ông Trần Quốc Phương: Đúng như nhận định của chị, hiện nay các tổ chức quốc tế ở Việt Nam đang đưa ra các mức dự báo rất khác nhau, nhưng đều cho thấy mức rất cao. Ví dụ IMF thì đưa ra mức GDP là 6,6% dự báo cả năm, hoặc World Bank thì đưa ra mức 6,8% và ngay cả ADB còn đưa ra mức cao hơn nữa là 7,1%. Họ dựa trên những phân tích và nghiên cứu riêng của họ.
Những năm trước đây, thông thường dự báo của các tổ chức quốc tế này thường thấp hơn những con số của Chính phủ. Trong năm nay, có một sự khác biệt là các dự báo của các tổ chức lại cao hơn.
Lý do của việc dự báo cao hơn này có lẽ là họ cũng căn cứ trên sức bật của nền kinh tế năm 2017 để dự báo tiếp cho năm 2018. Tuy nhiên, đấy là những dự báo đặt trong bối cảnh rất tích cực, rất nhiều thứ thuận lợi ủng hộ cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, qua 6 tháng, chúng ta thấy rằng vẫn còn nhiều thách thức chứ không đơn giản là tất cả đều thuận lợi. Cho nên, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi cũng rất cân nhắc và phân tích kỹ lưỡng, cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức này để có được các con số khá sát để báo cáo, cũng như tham mưu cho Chính phủ.
XEM TIẾP PHẦN II:
XEM TIẾP PHẦN III:
Mọi ý kiến tranh luận, phản hồi về các phân tích của 3 vị diễn giả, xin gửi về email: [email protected]
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Đức Yên, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Xuân Quý, Thu Hồng
Email: [email protected]