- Ủy ban Tư pháp QH nhận định, có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ thực tế là người trong gia đình, người thân.
Báo cáo của CP về phòng chống tham nhũng trình trước UB Thường vụ QH hôm nay cho biết tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi.
Bà Lê Thị Nga: Tham nhũng ngay trong chính lực lượng có chức năng chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN |
Theo báo cáo, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã thụ lý điều tra 18 vụ, 78 bị can.
Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng, 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 07 bất động sản, đạt 38,3%.
Liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, trong năm đã có 10 người bị tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác khác; 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý, trong đó 5 người bị xử lý hình sự (tăng 1 người so với năm 2015), 5 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo, 8 người đang xem xét các hình thức xử lý.
Để phòng tham nhũng, số người hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2015 là 1.004.231người, đạt 99,1% so với số người phải kê khai; số bản kê khai đã công khai là 993.127 bản, đạt tỷ lệ 98,9%.
Có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm, chỉ một số ít được yêu cầu xác minh là do trong quá trình công khai có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực.
"Chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. Cũng chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định về việc nộp lại quà tặng", Tổng Thanh tra CP Phan Văn Sáu cho biết.
Các cấp, các ngành cũng đã chuyển đổi vị trí công tác 5.715 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực và địa bàn gặp nhiều khó khăn do các quy định về vấn đề này chưa sát với đặc điểm tình hình, cần được xem xét điều chỉnh.
Đưa, nhận hối lộ, "lót tay" khá phổ biến?
UB Tư pháp QH nhận định: Vẫn còn nhiều văn bản pháp luật thiếu minh bạch, sơ hở, chồng chéo nhưng chậm được sửa đổi làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; chưa loại bỏ được cơ chế “xin - cho” là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng, nhất là các lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, tổ chức cán bộ…
Tổng Thanh tra CP Phan Văn Sáu: Chưa phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực. Ảnh: Thanhtra.gov.vn |
Trong xã hội thì người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chấp nhận, chịu đựng tham nhũng trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền, có ý kiến đánh giá tình trạng đưa, nhận hối lộ, “lót tay” dường như đã trở thành khá phổ biến.
Bên cạnh đó còn phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay ở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Riêng công tác cán bộ, UB Tư pháp QH cho biết dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.
"Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ đảng viên và nhân dân vào chủ trương của Đảng, Nhà nước", Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nói.
UB này cũng đề nghị đánh giá nguyên nhân của việc các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn nhưng việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng lại giảm trong khi tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng.
"Đáng lưu ý, thời quan qua xảy ra một số vụ tham nhũng ngay trong chính lực lượng có chức năng chống tham nhũng. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh PCTN", bà Lê Thị Nga nói.
Chung Hoàng