Năm 1998, Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa có quyết định số 108 về việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích lịch sử văn hóa Chùa - Đền Còng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc.
Theo thần phả còn lưu giữ được ở chùa Linh Quang (chùa Còng), thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), vua đã cùng hoàng hậu tới địa giới núi Khu Cương Trang Phúc Lâm huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hóa (này là thôn 3, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Thấy vùng đất này là một thắng cảnh đẹp huyền linh, có một ngôi đền viết dòng chữ “Tối Linh Từ” nghĩa là đền thiêng, vua Lý Thánh Tông và hoàng hậu đã làm lễ cầu tự rồi qua chùa Linh Quang thắp hương, được Phật Quan Âm báo điềm tốt. Về sau hoàng hậu sinh được hoàng tử Lý Nhân Tông (1072-1128).
Từ đó hoàng hậu thường trở về du ngoạn và tu sửa đền thiêng. Một sớm tuần du ở Trang Phúc Lâm, hoàng hậu đã mất ngay tại đền. Sau đó nơi này được dựng thêm một ngôi đền hiệu là “Cao Sơn - Hoàng Bà Linh vị” (còn gọi là đền Còng).
Trải qua thời gian cùng với biến cố lịch sử, quần thể di tích đã trở thành phế tích chỉ còn lại nền móng cũ.
Năm 2000, chùa Linh Quang được trùng tu trên khu đất rộng gần 1.000m2. Chùa được thiết kế theo mẫu chùa Việt Nam, kiến trúc gỗ, mái chùa lợp ngói âm dương, chùa rộng 3 gian.
Hiện nay, tại chùa còn lưu giữ 9 pho tượng cổ thời Lê. Các pho tượng này đều làm bằng gỗ, có kích thước gần như nhau (rộng 47cm, cao 70cm).
Đến năm 2012, chính quyền địa phương đã trùng tu đền Cao Sơn - Hoàng bà Linh vị.
Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng thừa nhận, chùa Linh Quang đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Hiện phần mái ngói đã dột nát, bờ tường đã nứt toác, mưa xuống nước chảy lênh láng vào các gian thờ.
"Xã không có kinh phí tu sửa. Sư Thúy Nghiêm, giám tự chùa mới về được 2 năm, nhà chùa phải dựng những cái lều tạm quây tôn ở phía sau chùa để sinh hoạt”, ông Chung cho biết.
Một số hình ảnh chùa Linh Quang xuống cấp nghiêm trọng.
Lê Dương