- Tuyến kè sông Lô đi qua TP Tuyên Quang với mục đích chống sạt lở nhưng lại bị sạt lở ngay khi chưa nghiệm thu, bàn giao. Hàng chục tỷ đồng bị dòng sông Lô “nuốt” không thương tiếc.
XEM CLIP:
Dự án kè sông Lô đi qua TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) có tổng mức đầu tư hơn 385 tỷ đồng, trong đó phần lớn nguồn vốn đầu tư huy động từ vốn trái phiếu chính phủ (348,357 tỷ đồng); vốn Trung ương hỗ trợ (21 tỷ), vốn của tỉnh 7,168 tỷ đồng.
Tuyến kè chống sạt lở sông Lô đã bị sạt lở khi chưa được bàn giao sử dụng |
Với mục đích chống sạt lở sông Lô đoạn đi qua TP Tuyên Quang, kè sông Lô có chiều dài 16,1km, được UBND tỉnh Tuyên Quang gia hạn thời gian đầu tư đến hết năm 2017.
Tuyến kè này chưa được nghiệm thu hết do dự án được chia nhỏ thành 19 gói thầu; trong đó, đoạn kè sông Lô tại địa điểm phường Tân Hà đến xã An Tường (TP Tuyên Quang) thuộc gói thầu số 3 với chiều dài 1.637m, nhưng có tới gần 500m bị sụt lún.
Đứng bên đoạn kè sát mép sông, ông N.V.T – người dân thôn Viên Châu (xã An Tường) xót xa: “Đoạn kè này chưa được sử dụng ngày nào đã bị sạt lở. Gần một năm qua, nó vẫn chỏng chơ là một khối đổ nát như thế này”.
Toàn bộ chân kè bị cuốn trôi xuống lòng sông khiến mái kè, hệ thống lan can, đường dạo trên mặt kè cũng bị cuốn theo |
Đoạn sụt lún thuộc gói thầu số 3. Gần 500/1.637m chiều dài kè bị sụt lún |
Theo đó, khúc sông Lô đi qua thôn Viên Phú xối thẳng vào bờ, kéo toàn bộ khối bê tông cốt thép hàng trăm tấn xuống lòng sông. Toàn bộ phần chân kè không còn dấu tích. Mái kè theo thiết kế được đổ bê-tông mặt có chiều rộng khoảng 2 mét cũng đã bị cuốn trôi.
Theo thiết kế, bên trên mặt kè được đổ tường rào bê-tông; có rãnh thoát nước. Toàn bộ khối lượng công trình này cũng đã bị sụt lún, sạt lở gần như toàn bộ.
Tiếp giáp với phần kè là bãi đất canh tác trồng ngô của người dân địa phương. Tại các điểm sụt lún, đất bị sạt lở vào sâu bên trong tới gần chục mét.
Theo người dân địa phương, công trình bị sụt lún do tác động của dòng nước sông Lô điểm này bị chuyển dòng. Phía bên kia sông là bãi bồi với một doi cát sỏi khá lớn. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác, là do thực trang nạo vét cát thượng nguồn gần với chân kè vẫn tiếp diễn.
Có mặt tại hiện trường vào đầu tháng 5, cách khu vực sụt lún chừng vài chục mét, chúng tôi vẫn bắt gặp những chiếc tàu hút cát đang hoạt động. Vòi hút được đổ thẳng vào một chiếc bể bê-tông khá lớn đặt mép sông. Máy xúc xúc cát từ chiếc bể này lên xe chở đi tiêu thụ.
Sạt lở do mưa lũ?
Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT (Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang) – chủ đầu tư dự án, ông Lê Hải Hùng cho hay: BQL đã có báo cáo lên Sở NN&PTNT, UBND tỉnh về sự việc để xin ý kiến chỉ đạo, khắc phục.
Ngay phía chân khu vực kè bị sạt lở, hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra |
Theo ông, gói thầu số 3 bị sụt lún, sạt lở gần 500/1.637 mét tổng chiều dài từ thời điểm tháng 8/2017. Tổng kinh phí phê duyệt của đoạn kè hơn 1,6km này là 72,311 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 60,992 tỷ.
“Tháng 6-8/2017, Tuyên Quang có mưa lớn trên diện rộng và kéo dài, kết hợp với việc hồ thủy điện xả lũ nên nước sông Lô thường xuyên dâng cao.
Ngay sau khi phát hiện sự cố, BQL đã đỉnh chỉ thi công và thực hiện các biện pháp bảo vệ khu vực sạt lở”, lời ông Hùng.
Thiệt hại của đoạn kè bị sụt lún ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong bối cảnh kế hoạch phân chia vốn, kinh phí theo giai đoạn của Tuyên Quang đã được phê duyệt, việc sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh để khắc phục sự cố là điều rất khó khăn.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, dự án kè chống sạt lở bờ sông Lô khu vực TP Tuyên Quang với tổng chiều dài 16,1km được phê duyệt dự án từ năm 2007–2009. Theo thực tế bố trí vốn, UBND tỉnh đã gia hạn thời gian thực hiện đến hết năm 2017.
Dự án được chia thành 19 gói thầu, trong đó 10 gói thầu đã được phê duyệt quyết toán; 3 gói thầu đang trong giai đoạn quyết toán; 4 gói thầu đang hoàn thành hồ sơ để bàn giao công trình đưa vào sử dụng, 1 gói đang thi công thì gặp sự cố sụt lún, sạt lở.
Việc chia nhỏ hơn 16km kè sông Lô, theo BQL dự án, nhằm bảo đảm tiến độ công trình. Tuy nhiên, việc chia nhỏ thành các gói này cũng dẫn tới sự thiếu đồng bộ, khớp nối giữa các đơn vị thi công, đó cũng là lý do làm ảnh hưởng tới chất lượng công trình.
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn cho hay: UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan, gồm Nông nghiệp, Tài chính, Xây dựng… trình phương án khắc phục sự cố để đảm bảo hoàn thiện cả tuyến kè trước mùa mưa bão sắp tới.
Phương án khả thi nhất là di dời toàn bộ phần kết cấu bê-tông cốt thép đã bị sụt lún để lấy lại mặt bằng, đổ đá hộc từ chân kè cho đến mái, sau đó thi công lại toàn bộ công trình theo phương án thiết kế cũ.
Ông Huấn cũng cho biết, tỉnh giao BQL dự án các công trình NN&PTNT làm làm đầu mối khắc phục sự cố. Trong trường hợp không đủ kinh phí, sẽ phải sử dụng nguồn ngân sách.
Sạt lở dữ dội, 10 căn nhà ở miền Tây bị 'hà bá' nuốt chửng
Khi gia đình chị Chi đang ăn cơm thì căn nhà đổ sụp xuống sông Hậu. Trong chốc lát các thành viên trong nhà chị chới với giữa dòng nước.
Sạt lở ở An Giang: 'Mất hết cả, chỉ kịp ôm bàn thờ người thân'
Một ngày sau vụ sạt lở, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng vì nhà cửa, tài sản tích cóp bao năm đã bị “hà bá” cuốn trôi.
Sạt lở ở An Giang: Dân mất nhà, mắc võng ngủ trong chùa
Sau sạt lở ở An Giang, nhà cửa tan hoang, thiệt hại tài sản cả tỷ đồng, người dân phải sống trong trường học, chùa chiền...
Sạt lở ở Hòa Bình: Nạn nhân thứ 10 nằm dưới tảng đá lớn
Nạn nhân thứ 10 trong vụ sạt lở ở xóm Khanh là nam giới trung tuổi. Khi được phát hiện, thi thể ông bị đè dưới một tảng đá lớn.
Sạt lở đất vùi lấp cả nhà, bé gái 5 tuổi chết thương tâm
Cả gia đình anh Phương bị đất đá cuốn vùi khiến con gái anh tử vong, vợ anh bị thương nặng.
Kiên Trung