Nên hỗ trợ lao động "chưa thất nghiệp lần nào"
Theo quy định hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp (tương đương 144 tháng đóng), không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, quy định người lao động chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư có thể gây tình trạng người lao động nghỉ việc để nhận trợ cấp thất nghiệp sau 12 năm đóng.
Đồng thời, có thể dẫn tới rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội và doanh nghiệp mất đi nhân sự lâu năm.
Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng, chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Phần bảo hiểm thất nghiệp đóng dư có thể chuyển sang chế độ khác của BHXH để tăng quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu.
Đại diện BHXH TP. Hà Nội cho rằng, những người dư số năm đóng bảo hiểm thất nghiệp hưởng tối đa 12 tháng lương, không nên bù trừ, vì sau 12 tháng người lao động phải đi tìm kiếm việc làm chứ không phải ngồi hưởng trợ cấp thất nghiệp mãi.
Tuy nhiên, cũng theo đại diện BHXH TP .Hà Nội, với những trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp cả đời, đến khi nghỉ hưu chưa nhận trợ cấp thất nghiệp lần nào, nên có một khoản để chi trả cho người lao động từ phần bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động đã đóng.
“Người lao động đóng 1%, nhưng suốt quá trình lao động không thất nghiệp, khi về hưu BHXH cũng nên có một khoản trả lại cho người lao động, phần 1% doanh nghiệp đóng và 1% Nhà nước hỗ trợ nên giữ lại làm quỹ chung hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp”, đại diện BHXH TP. Hà Nội cho biết.
Tăng trợ cấp thất nghiệp tối đa lên 75%?
Liên quan đến mức hưởng trợ cấp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tế đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp.
Vì vậy, mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp, mức tăng này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị, với người đóng bảo hiểm thất nghiệp, đến tuổi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào, được hưởng 50% số tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Về vấn đề này, một lãnh đạo BHXH TP. Hà Nội băn khoăn, nếu nâng cao mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp lên 75% mặc định sẽ xảy ra tình trạng lách luật. Bởi vì với người về hưu trước tuổi chưa đạt mức hưởng tối đa 75% lương, người lao động sẽ tìm cách thôi việc trước khi nghỉ hưu.
“Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay đang tính bằng mức bình quân 60% tiền lương của 6 tháng cuối. Mức này đã cao hơn so với mức lương hưu khi người lao động không đủ 30 năm đóng BHXH thì đương nhiên mức lương không đạt được 75% lương.
Do vậy, người lao động sẽ có lựa chọn trước khi về hưu khoảng 6 tháng sẽ xin thôi việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp xong sau đó hưởng chế độ lương hưu. Việc này ảnh hưởng đến quỹ BHXH”, đại diện BHXH TP. Hà Nội lý giải.