Nay tôi gặp và lấy một người khác, chúng tôi không đăng ký kết hôn và cũng có với nhau một đứa con 7 tháng tuổi. Tôi lên xã đăng ký khai sinh cho cháu thì bị từ chối, cán bộ xã bảo cháu chỉ có thể mang họ của người chồng cũ đứng trên giấy đăng ký kết hôn trước kia chứ không được mang họ của chồng mới. Xin hỏi như vậy có đúng không? Tôi phải làm thế nào để khai sinh đúng được cho con mình?
Ảnh minh họa |
Theo quy định tại Điều 15 Luật Hộ Tịch năm 2014 quy định “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.
Như vậy, trong trường hợp của bạn do năm nay con bạn đã 07 tháng tuổi, quá thời hạn cho nên bạn cần tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn.
- Thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn: Người đăng ký khai sinh quá hạn nộp các giấy tờ sau:
+ Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định);
+ Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ đẻ (nếu cha, mẹ của người được khai sinh có đăng ký kết hôn).
+ Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi sinh ra cấp; nếu sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Theo thông tin bạn cung cấp thì vợ chồng bạn chưa đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, việc không đăng ký kết hôn không ảnh hưởng gì đến việc đăng ký khai sinh cho con. Nếu bạn chưa có đăng ký kết hôn thì cán bộ Hộ tịch không thể ghi thông tin của chồng bạn vào mục thông tin của cha được. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch năm 2014:
“Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này”.
Do vậy, nếu muốn ghi tên cha trên giấy khai sinh của con bạn thì bạn phải thực hiện thủ tục nhận cha cho con theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014 về Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc”.
Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo – Công ty Luật TNHH MTV PL&Partners, Quận 1, Tp.HCM, thuộc Cộng đồng Luật sư IURA
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc
Người tình muốn tôi đứng tên trong giấy khai sinh của con
Tôi đang băn khoăn vì vừa cưới vợ, người tình đã thông báo cô ấy sắp sinh con và đứa con ấy là của tôi.