EVN xin giảm thuế, phí và giá than
Mới đây EVN vừa kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, giải quyết một số vướng mắc hiện tại cho Tập đoàn. Cụ thể, EVN kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc giảm giá than trộn bán cho hoạt động sản xuất điện để phù hợp với tình hình giá than nhập khẩu thực tế so với giá than nhập khẩu đã xác định trong giá than trộn được TKV, TCT Đông Bắc kê khai với Bộ Tài chính.
EVN cũng kiến nghị miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị sản xuất thủy điện với thời gian là 6 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020.
Theo EVN, tập đoàn hiện có nhiều dự án điện liên quan đến các chuyên gia và thiết bị của nước ngoài, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các chuyên gia không thể sang Việt Nam, thiết bị cung ứng chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Ảnh minh họa |
Đối với nguồn nhiên liệu than trong nước phục vụ phát điện, tình hình dịch bệnh cũng dẫn đến rủi ro về sản xuất và cung ứng than nếu trong lực lượng lao động có người bị nhiễm bệnh, phải cách ly.
Về nguồn than nhập khẩu, dịch bệnh đã khiến các nước có những phản ứng với mức độ khác nhau như: đóng cửa biên giới, phong tỏa khu vực hoặc quốc gia. Ngay trong giải pháp phong tỏa ở một số quốc gia thì một số nước cấm toàn bộ việc đi lại và đóng cửa các ngành kinh tế không thiết yếu, trong khi đó có nước lại cấm hoạt động của mỏ than dẫn tới rủi ro nhất định đối với nguồn than nhập khẩu.
“Có thể nói, các rủi ro đối với cung cấp than phục vụ phát điện là rất đáng lưu ý do hiện nay ở nước ta, sản lượng phát điện huy động từ nhiệt điện than chiếm tỷ lệ cao. Trong quý 1-2020, sản lượng huy động từ nhiệt điện than là 34 tỷ kWh trên tổng sản lượng điện toàn hệ thống 57,3 tỷ kWh (tương đương với tỷ lệ tới 59,3%)”- đại diện EVN cho hay.
Theo EVN, thời gian vừa qua, do nước về các hồ thuỷ điện rất thấp (tương ứng thiếu khoảng hơn 5 tỷ kWh từ thuỷ điện) nên EVN vẫn phải huy động sản lượng lớn bù lại từ nguồn chạy dầu để đảm bảo yêu cầu vận hành đối với các nguồn thuỷ điện từ nay cho đến hết mùa khô 2020. Mặc dù giá dầu có giảm nhưng giá thành sản xuất điện từ nguồn chạy dầu vẫn rất cao so với giá bán lẻ điện hiện nay.
EVN cho rằng, với diễn biến hiện tại của dịch Covid-19, sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng ở mức thấp hơn kế hoạch. Đáng chú ý có một số hộ tiêu thụ điện như: kinh doanh, dịch vụ có mức tăng trưởng âm nên dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2020 và giá bán điện bình quân sẽ giảm, từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính EVN và các Tổng Công ty Điện lực.
Giảm giá điện: Vẫn chỉ là đề xuất
Mới đây trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4, Bộ Công thương vừa đưa ra một số phương án về giảm giá điện cho các khách hàng người dân (điện sinh hoạt) và doanh nghiệp (điện sản xuất).
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề xuất giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện với mức 10% so với biểu giá tại quyết định 648. Nếu thực hiện hỗ trợ trong 3 tháng, số tiền hỗ trợ đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh là 6.104 tỉ đồng, tương đương doanh thu EVN giảm tương ứng.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh |
Đối với khách hàng du lịch, Bộ Công thương đề xuất giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng áp giá cho họ sản xuất và áp dụng từ tháng 4. Số tiền hỗ trợ 1.840 tỉ đồng. Riêng với khách dùng điện sinh hoạt, Bộ Công thương đề xuất giảm giá 10% đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4. Với bậc thang cao trên 300 kWh, bộ đề xuất giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc này là những người có thu nhập cao, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch. Số tiền hỗ trợ cho khách hàng sinh hoạt sẽ được hưởng số tiền hỗ trợ 2.930 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ nếu được Chính phủ thông qua sẽ lên tới trên 10.000 tỉ đồng, trực tiếp tác động đến doanh thu của EVN.
Tuy nhiên tới nay đây vẫn mới chỉ là phương án đề xuất, thực tế chưa có cá nhân, tổ chức nào ngoài khu vực cách li nhận được giảm giá điện. Thực ra, không ai có thể “bắt” hay “ép” ngành điện phải giảm giá bán điện cho người tiêu dùng. Câu chuyện đặt ra ở đây là sự san sẻ gánh nặng trong lúc khó khăn với các khách hàng của ngành điện trong đại dịch Covid-19. Bởi nếu giá điện có không giảm thì người dân vẫn phải mua điện để dùng vì họ không có lựa chọn nào khác. Cách li xã hội khiến người dân giảm đi lại, hạn chế được chi phí xăng dầu nhưng khi ở nhà chắc chắn nhu cầu tiêu dùng điện tăng.
Điện, nước, xăng dầu, lương thực, thực phẩm là những mặt hàng thiết yếu không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã thể hiện trách nhiệm, sự san sẻ của mình bằng cách giữ nguyên không tăng giá hoặc giảm giá một số mặt hàng để không gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân.
EVN là là doanh nghiệp của Nhà nước, nguồn vốn để phát triển lấy từ thuế do dân đóng góp. Thiết nghĩ, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay không có lý do gì để EVN không chung tay hỗ trợ cộng đồng.
(Theo Thương hiệu và Sản phẩm)