Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111 năm 2022 về hợp đồng một số loại công việc trong các cơ quan hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn hợp đồng dẫn đến lương hợp đồng thấp và không có tính ổn định lâu dài. Cuối cùng, điều này dẫn đến không thu hút được nguồn nhân lực.
Mặt khác, địa phương số học sinh có xu hướng tăng lên hằng năm. Đại biểu Thái dẫn chứng ở tỉnh Lạng Sơn, năm học 2024-2025 sẽ tăng 4.100 học sinh phổ thông so với năm học 2023 - 2024.
"Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình. Do vậy, việc thiếu giáo viên so với định mức ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy tại các trường học, dẫn đến một số giáo viên phải dạy trái chuyên môn", Đại biểu trăn trở.
Nữ Đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp để giải quyết vấn đề trên.
Ngoài ra, Đại biểu Hồng Thái cũng cho biết, cử tri có đề nghị Bộ GD-ĐT ban hành văn bản thay thế Thông tư số 16 năm 2017. Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023 ngày 30/12/2023, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh một số vướng mắc mới. Bà Thái phân tích, Thông tư 20 quy định việc tính định mức giáo viên trên lớp rất khó thực hiện trong thực tế.
Đối với các tỉnh miền núi, nhiều điểm trường lẻ và có trường mỗi khối học chỉ có một lớp. Ở Lạng Sơn có đến 75 trường THCS chỉ có một lớp/một khối học.
Mặc dù chỉ có một lớp nhưng vẫn phải đảm bảo dạy tất cả các môn, tuy nhiên chỉ được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của thông tư. Như vậy sẽ thiếu giáo viên giảng dạy ở một số môn học và hoạt động giáo dục khác.
Thông tư 20 cũng quy định phải chia vùng để tính định mức giáo viên, số lượng học sinh trên lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Vùng 3 bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học, bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp THCS và THPT. Nhưng theo Đại biểu tỉnh Lạng Sơn, đối với các tỉnh miền núi, vùng 3 là vùng khó khăn, địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt, có nhiều điểm trường lẻ, nhiều lớp ghép.
Ở Lạng Sơn cấp tiểu học có 268 điểm trường lẻ, 167 lớp ghép với bình quân 25 học sinh/lớp và trong đó có 9 trường với mức bình quân 15 học sinh/lớp. Do vậy, Đại biểu cho rằng việc quy định bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp THCS, THPT và 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học là không khả thi.
Phát biểu giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị định 111 năm 2022 là do Bộ Nội vụ xây dựng, từ khi có hiệu lực "đã mở đường cho việc ký các hợp đồng lao động và rất nhiều hợp đồng lao động đã được ký, giải quyết được thêm nhiều vị trí việc làm cho giáo viên", góp phần để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận vẫn có những vướng mắc, ví dụ khi chuẩn bị ký hợp đồng tìm nguồn vẫn còn có những khó khăn do thiếu nguồn như đại biểu nêu.
"Lương và thu nhập, chế độ chính sách cho đối tượng ký hợp đồng cũng còn có những điểm chưa thực sự động viên với người lao động", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Ông cũng cho biết, có nhiều địa phương còn ngần ngại trong việc triển khai ký hợp đồng theo Nghị định 111. Vì vậy thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát và kiến nghị để cùng với Bộ Nội vụ tiếp tục xem xét các nội dung có liên quan.
Đối với việc xác định số lượng học sinh trong lớp theo chuẩn của các bậc học, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, mức xác định các lớp vẫn dành chung cho cả nước. Một số khu vực vùng khó khăn, vùng đồng bào miền núi, các điểm trường, khu vực thưa dân thì sĩ số học sinh trong lớp chưa đủ 45 cho bậc THPT, chưa đủ 35 đối với bậc tiểu học.
Bộ trưởng thừa nhận, đây là một điểm bất cập và Bộ sẽ tiếp tục xem xét các nội dung này.
"Ngành Giáo dục đào tạo đang trong quá trình chuyển đổi, thực tế phát sinh rất nhiều vấn đề cần phải lắng nghe, điều chỉnh. Cho nên, năm học 2023-2024, toàn bộ thông tư mà Bộ GD-ĐT đã và đang chuẩn bị ban hành (gần 60 thông tư) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực GD-ĐT, trong quá trình chuyển đổi cũng có những điểm thực tế phát sinh.
Quan điểm của chúng tôi là sẽ khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá, có ứng xử chính sách kịp thời, nhưng cũng phải tính toán cho sát thực tế, nếu một số vấn đề ở mức hiện tượng nảy sinh mà giải quyết một cách vội vã có thể có các hệ lụy khác.
Tinh thần là chúng tôi sẽ hết sức khẩn trương, nguyên tắc cao nhất là phục vụ thực tiễn và giải quyết các vấn đề của thực tiễn", Bộ trưởng khẳng định.