Thiếu phương tiện thu gom
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phải được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (kính/thủy tinh; phế thải xây dựng; chất thải nhựa; gỗ; đồ điện tử…); Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, thực phẩm hỏng…); Chất thải rắn sinh hoạt khác, có thể là rác còn lại, rác nguy hại (kim tiêm, dao cạo râu, pin đã qua sử dụng hay rác cồng kềnh như tủ quần áo, ghế sofa… đã qua sử dụng).
Tuy nhiên, do thiếu phương tiện thu gom, thiếu các điểm tập kết/ trạm trung chuyển rác, thiếu các thùng rác phân theo từng loại rác thải… khiến việc phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam gặp khó khăn. Đơn cử, tại các nhà rác của các khu chung cư cao cấp cũng chỉ có từ 2 đến 3 thùng cho 3 loại rác: vô cơ (thùng màu vàng), hữu cơ (thùng màu xanh) và rác thải độc hại (thùng màu đỏ). Trong khi đa phần chung cư, nhà rác không phân loại, rác của cư dân mà chúng được trộn chung trong các túi bóng, rồi gom tất vào các nhà chứa và đổ lên xe thu gom rồi chở thẳng ra bãi rác.
Lí do “thất bại” trong việc phân loại ngay từ các hộ gia đình/ khu dân cư là do thiếu thiết bị và phương tiện thu gom, vận chuyển chuyên biệt. Ví dụ, người dân muốn để riêng pin đã qua sử dụng hoặc thủy tinh ra những thùng riêng để nhân viên vệ sinh mang đi. Nhưng do không có thùng chứa riêng nên công nhân vệ sinh "đành" ném tất cả vào chung xe thu gom rác, khiến việc phân loại của người dân trở nên vô nghĩa. Những phong trào góp pin đổi quà hay đổi rác thải độc hại lấy sách vở… cũng chỉ là những phong trào bề nổi mà thôi.
Lí giải cho việc “người làm kẻ phá” nói trên, các chuyên gia lĩnh vực môi trường cho rằng, thiếu nguồn lực đang là trở ngại lớn nhất, kế đến là công tác truyền thông, trong khi việc triển khai đồng bộ phân loại rác với công nghệ xử lý hiện đại chưa thể thực hiện nên việc kêu gọi ý thức của người dân trở nên... xa xỉ. Trong khi đó, ở nhiều nơi dù người dân có ý thức phân loại rác thì dù có cố gắng nhưng đó chỉ là quy trình ngược và “đá” chân nhau khi triển khai khiến việc phân loại rác tại Việt Nam đi vào ngõ cụt để rồi liên tiếp thất bại.
Đơn cử về nhân lực, do việc thu gom rác nặng tính thủ công nên hiện tượng thu gom hết được lượng rác trong dân đã trở lên quá tải nói gì đến phân loại. Với xe thu gom rác, hiện chỉ có xe rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng và xe bồn thu gom chất thải lỏng (xe hút bể phốt). Về cơ bản xe thu gom rác thải sinh hoạt “độc” có chức năng duy nhất là thu gom tất cả rác thải, đổ chung với nhau và mang về nhà máy/ bãi chôn lấp. Không thể phân loại nên tài nguyên rác đang bị lãng phí, không những không mang lại giá trị kinh tế mà còn gây ra ô nhiễm môi trường.
Phí bảo vệ môi trường sẽ là “chìa khóa”?
Như đề cập ở trên, thiếu kinh phí là lí do chủ yếu khiến việc phân loại rác thất bại do không có nguồn lực đầu tư cho thiết bị và công nghệ, do đó nhiều chuyên gia đề xuất cần thu phí bảo vệ môi trường và đánh “thuế phí” trên trọng lượng rác thải như cách làm với điện và nước sạch.
Sau khi có kinh phí, ứng dụng công nghệ trong phân loại rác tại nguồn, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phân loại rác. Khi triển khai phân loại cần đảm bảo có đủ nguồn lực (con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý), thu hút các doanh nghiệp tham gia triển khai với chính sách ưu đãi… Cuối là tăng cường xử phạt vi phạm của các tập thể, cá nhân không chấp hành phân loại rác tại nguồn.
Xét cho cùng việc phân loại rác là một nhiệm vụ chung của cả xã hội, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, nhà dân, nhà doanh nghiệp, nhà trường,và nhà khoa học. Khi có đủ nguồn lực triển khai, quyết tâm chính trị đủ lớn, sự vào cuộc với vai trò và trách nhiệm của các thành phần tham gia thì việc đảm bảo phân loại rác tại nguồn sẽ được thực hiện một cách hiệu quả và bền vững, thay vì “đánh trống bỏ rùi” như thời gian qua.