- Em lấy chồng là người Trung Quốc. Vì thủ tục đăng ký kết hôn của bọn em có vấn đề nên vẫn chưa làm xong, nhưng em chuẩn bị sinh em bé ở Việt Nam.

TIN BÀI KHÁC

Theo dự kiến phải sau khi em sinh con được 2 tháng thì em và chồng mới hoàn tất được thủ tục đăng ký kết hôn. Sau này em muốn làm thủ tục xin nhập quốc tịch Trung Quốc cho con của em thì cần phải làm những thủ tục giấy tờ gì?

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, về việc đăng ký khai sinh

Theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP, trường hợp cha mẹ chưa đăng ký kết hôn mà sinh con thì khai sinh cho con theo thủ tục khai sinh cho con ngoài giá thú.

Khoản 3 Điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 06/2012/NĐ-CP) quy định: “3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.”

Tuy nhiên, nhận cha con trong trường hợp của bạn có yếu tố nước ngoài nên bạn tiến hành thủ tục đăng ký nhận cha con tại Sở Tư Pháp sau khi đăng ký khai sinh cho bé ở UBND cấp xã. Việc đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài từ Điều 18 đến Điều 23 Nghị định 24/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trong đó Điều 19, 20 quy định:“Điều 19. Thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con

1. Sở Tư pháp, nơi đăng ký thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con, công nhận và đăng ký việc nhận cha, mẹ, con quy định tại Điều 18 của Nghị định này.

Trong trường hợp người được nhận là cha, mẹ, con là công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Sở Tư pháp, nơi đăng ký tạm trú của người đó, công nhận và đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

2. Cơ quan đại diện tại nước tiếp nhận công nhận và đăng ký việc người nước ngoài nhận công dân Việt Nam cư trú tại nước đó là cha, mẹ, con, nếu việc đăng ký không trái với pháp luật của nước tiếp nhận.

Trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là cha, mẹ, con thì cơ quan đại diện tại nước nơi cư trú của một trong hai bên, công nhận và đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.

Thứ hai, về việc nhập quốc tịch Trung Quốc

Điều 16 Luật Quốc tịch 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:

“1. Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.”

Như vậy, nếu bạn và chồng bạn đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn thì tại thời điểm đăng ký khai sinh cho cháu, hai vợ chồng có thể lựa chọn quốc tịch Trung Quốc cho con trên cơ sở sự thỏa thuận bằng văn bản của hai vợ chồng.

Tuy nhiên, do bạn và chồng bạn chưa hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, cháu bé được khai sinh theo diện con ngoài giá thú. Do đó, quốc tịch của con được xác định theo quốc tịch của mẹ, là quốc tịch Việt Nam.

Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, việc gia nhập quốc tịch Trung Quốc lại là vấn đề phụ thuộc vào pháp luật về quốc tịch của Trung Quốc quy định về điều kiện, thủ tục, hồ sơ gia nhập quốc tịch. Bạn liên hệ với cơ quan lãnh sự của Trung Quốc tại Việt Nam để được hướng dẫn chi tiết.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).