Chữa bỏng bằng mỡ trăn, kem đánh răng, lòng trắng trứng, dầu cá, đổ nước mắm, rắc vôi bột… được xem là bí quyết lận lưng của nhiều người, nhưng nó có thể khiến người bệnh gặp nguy.
Mỡ trăn không dùng khi cấp cứu bỏng
Nhiều người vẫn có thói quen dùng mỡ trăn bôi ngay vào vết thương do bỏng gây ra, đặc biệt là ở những gia đình có điều kiện.
Mỡ trăn không có tác dụng trong việc sơ cứu vết thương do bỏng gây ra |
Theo giải thích của những gia đình này, mỡ trăn rất mát, lành da nên khi bị bỏng bất kể là do nguyên nhân nào, cũng là cứu cánh hiệu quả ngay tức thời, giúp bệnh nhân nhanh dịu da. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Huệ - nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia khuyến cáo, chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc bôi mỡ trăn ngay khi phát hiện bỏng sẽ có tác dụng tốt. Theo lời khuyên của bác sĩ Huệ, chỉ nên bôi mỡ trăn trong thời gian sau điều trị, khi đó mỡ trăn có thể làm se vết thương nhanh hơn.
Sốc bỏng vì đổ nước mắm
Khi được nghe thông tin về cách chữa bỏng này, bác sĩ Nguyễn Văn Huệ rất ngỡ ngàng, ông chia sẻ: “Đổ nước mắm xót, không những thế còn gây nhiễm khuẩn, sốc bỏng, khiến tình trạng bệnh nguy hiểm hơn”.
Đổ nước mắm vào vết thương bỏng dễ dẫn đến sốc bỏng, người bệnh đau đớn hơn |
Nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia cho biết, đã từng cấp cứu nhiều bệnh nhân bỏng mà được người nhà đổ hàng lít nước mắm nguyên chất lên vết thương. Cách cấp cứu nguy hiểm này khiến bệnh nhân đau đớn, bởi "bỏng nước sôi thì ít mà vì nước mắm thì nhiều".
Rắc vôi bột, thoa kem đánh răng sẽ “gánh” thêm bỏng kiềm
Từ lâu, bôi kem đánh răng lên vết bỏng được rất nhiều người truyền miệng và áp dụng. Nhiều người cho rằng kem đánh răng sẽ giúp giảm nhiệt bởi khi thoa lên tay hay đánh răng, có hiện tượng mát lạnh. Ngoài ra, một số người thiếu hiểu biết và chưa kiếm chứng thông tin đã vội tự ý thực hiện cách rắc vôi bột chữa bỏng.
Bôi kem đánh răng, bệnh nhân bỏng có thể còn "gánh" thêm bỏng kiềm |
Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên ngành bỏng khẳng định kem đánh răng hay vôi bột đều là các hóa chất chứa kiềm, khi gặp môi trường thuận lợi như các vết thương bỏng, sẽ xâm nhập và gây nên biến chứng khác.
“Khi bị bỏng, tuyệt đối không dùng kem đánh răng hay vôi bột hoặc nước vôi trong xoa lên vết thương. Ngoài việc bỏng nhiệt, bệnh nhân còn thêm bỏng kiềm, gây nguy hiểm”, bác sĩ Huệ nói.
Lòng trắng trứng gà gây nhiễm khuẩn nặng
Trong nhiều phương pháp truyền miệng, nhiều người còn cho rằng việc sử dùng lòng trắng trứng gà sẽ giúp vết bỏng mau lành, da chóng liền sẹo do có thành phần collagen. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Huệ khuyến cáo việc dùng lòng trắng trứng chữa bỏng có thể làm vết thương nhiễm khuẩn tăng nặng.
“Trong tất các phương pháp trên, chữa bằng lòng trắng trứng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất. Bởi loại thực phẩm này chứa rất nhiều vi khuẩn. Vì vậy, sở thích ăn trứng lòng đào cũng đã được các bác sĩ cảnh báo rất nhiều”.
Bôi dầu cá, nguy cơ bỏng sâu
Theo các bác sĩ chuyên khoa, dầu cá rất giữ nhiệt, khi dùng để chữa bỏng không thể làm dịu mát vết thương mà còn gây hiện tượng khó nhiệt. Vì vậy, nhiều người đang bỏng ở độ trung bình, sau khi áp dụng biện pháp này khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, điều trị mất nhiều thời gian và tiền của hơn. Ngoài ra việc dùng dầu cá còn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao khi nó là loại mùi hấp dẫn ruồi muỗi, dễ dẫn đến nhiễm trùng vết thương.
Sơ cứu bỏng như thế nào cho đúng? Với những trường hợp bỏng do nước sôi, lửa, hóa chất, nguyên tắc đầu tiên cần ngay lập tức nhúng vùng bỏng vào nước mát, ngâm trong vòng 30 phút. Đây là cách sơ cứu hiệu quả nhất. Trong trường hợp, trẻ sơ sinh, người già bị bỏng vào mùa đông, cần giữ ấm vùng không bị bỏng; hoặc dùng khăn ẩm đắp lên vết thương trong vòng 30 phút. Không dùng nước quá lạnh hoặc đá chườm vào vết bỏng; không bôi thoa các chất, hóa chất, thuốc… vào vết thương khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ; không lấy dị vật còn dính lại trên vết bỏng, thậm chí không được cởi bỏ quần áo dễ lột hết da của bệnh nhân. Sau đó đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế. PGS.TS Nguyễn Văn Huệ |
(Theo Zing)