Thông tư 37 quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (TTLNH) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 30/12/2016. Hệ thống TTLNH là hệ thống tổng thể gồm Trung tâm Xử lý thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, Trung tâm Xử lý thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia dự phòng, phần mềm cài đặt tại các thành viên và đơn vị thành viên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống TTLNH để thực hiện việc thanh toán và quyết toán giữa các đơn vị tham gia hệ thống thanh toán này bằng Đồng Việt Nam (VND), Đô la Mỹ (USD), Đồng tiền chung Châu Âu (EUR) và các loại ngoại tệ khác do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ, Thông tư 37 của NHNN được áp dụng với thành viên, đơn vị thành viên, thành viên gián tiếp của Hệ thống TTLNH, đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH, tổ chức chủ trì hệ thống bù trừ có kết nối đến Hệ thống TTLNH, các đơn vị liên quan của NHNN.
Thông tư 37 quy định, đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH hàng ngày kiểm tra tình trạng kỹ thuật của Hệ thống TTLNH về dữ liệu số dư, dữ liệu hạn mức nợ ròng, dữ liệu thanh toán. Cục CNTT hàng ngày kiểm tra tình trạng kỹ thuật của Hệ thống TTLNH về hệ thống phần mềm, trang thiết bị và mạng truyền thông tại Trung tâm Xử lý quốc gia, Trung tâm Xử lý quốc gia dự phòng. Đơn vị vận hành Hệ thống TTLNH, thành viên, đơn vị thành viên phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi để nhận và xử lý các Lệnh thanh toán trong thời gian làm việc của Hệ thống TTLNH, bảo đảm Hệ thống TTLNH hoạt động thông suốt, an toàn.
Cũng theo Thông tư 37, quá trình xử lý các giao dịch được Hệ thống TTLNH tự động ghi dưới dạng dữ liệu điện tử. Hàng ngày, dữ liệu điện tử phải được lưu trữ ra các thiết bị mang tin (băng từ, đĩa cứng). Dữ liệu điện tử phải lưu trữ gồm: với mỗi thành viên, đơn vị thành viên, lưu trữ dữ liệu điện tử về các yêu cầu giao dịch và tin điện kết quả; với Trung tâm Xử lý quốc gia, lưu trữ dữ liệu điện tử về các tin điện giao dịch, giao dịch hạch toán, dữ liệu đối chiếu và kết quả xử lý.
Việc quản lý tài liệu, dữ liệu điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Trường hợp cần thiết phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm soát, giải quyết tranh chấp, các đơn vị có trách nhiệm phải xuất trình dữ liệu nhật ký điện tử cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng.
Trong Thông tư 37, NHNN còn quy định cụ thể việc cấp phát, quản lý và sử dụng chữ ký điện tử (CKĐT) tham gia Hệ thống TTLNH. CKĐT được chia làm 4 loại: CKĐT của người lập lệnh; CKĐT của người kiểm soát lệnh; CKĐT của người duyệt lệnh và CKĐT của người duyệt truyền thông.
CKĐT được phân cấp quản lý và sử dụng, cụ thể: công cụ và phương tiện tạo CKĐT của người lập lệnh và người kiểm soát lệnh do thành viên, đơn vị thành viên tự cấp phát và quản lý theo quy trình xử lý tại từng đơn vị; khóa bí mật tạo CKĐT của người duyệt lệnh và chữ ký điện tử truyền thông được NHNN cấp theo quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của NHNN. Người được giao quản lý, sử dụng CKĐT, khóa bí mật phải bảo đảm bí mật và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lộ CKĐT, khóa bí mật gây thiệt hại. Việc tổ chức phân quyền người lập lệnh, người kiểm soát lệnh và người duyệt lệnh tại các thành viên, đơn vị thành viên do người có thẩm quyền của đơn vị quy định, đảm bảo nguyên tắc người lập lệnh độc lập với người kiểm soát lệnh và người duyệt lệnh.
Riêng về thời điểm áp dụng, tại Thông tư 37, NHNN ấn định thời điểm Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Tuy nhiên, ngày 29/12/2017, NHNN đã ban hành Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37. Theo đó, hiệu lực thi hành của Thông tư 37 được lùi từ ngày 15/1/2018 sang ngày 1/9/2018.
Tiếp đó, mới đây nhất, vào ngày cuối cùng tháng 8/2018, NHNN ban hành Thông tư 21/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37, thay thế cho Thông tư 23/2017. Thông tư mới của NHNN nêu rõ, Thông tư 37 lùi hiệu lực đến ngày 1/11/2019.
Cùng với đó, kể từ ngày Thông tư 37 có hiệu lực thi hành (ngày 1/11/2019 – PV), các Thông tư: 23/2010/TT-NHNN ngày 9/11/2010 về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng; Thông tư 13/2013/TT-NHNN ngày 11/6/2013 sửa đổi một số điều của Thông tư 23/2010 về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng; và Điều 6 Thông tư 23/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 về việc “thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực hoạt động thanh toán và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN” sẽ hết hiệu lực.