Ngày 23/11, Hội nghị Kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) về sở hữu trí tuệ khu vực phía Nam đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút được đông đảo các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp trẻ tham gia.
Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích kết nối tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong vực sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực liên quan. Tham dự có đại diện của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu tại khu vực phía Nam, các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ,...
Tại Hội nghị, các chuyên gia của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ về các chủ đề liên quan đến sở hữu công nghiệp đối với hoạt động khởi nghiệm sáng tạo, hoạt động đánh giá, định giá công nghệ - tài sản trí tuệ phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cất cánh.
Từ khảo sát 314 nhà quản lý doanh nghiệp cấp cao ở Trung Quốc, Pháp, Đức, Singapore, Anh và Mỹ trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ, tài chính, năng lượng và nguồn lực tự nhiên. TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chia sẻ, 3 dạng tài sản trí tuệ có giá trị nhất đó là: cơ sở dữ liệu khách hàng (42%), công nghệ sản phẩm (40%), và thông tin R&D (23%).
Đặc biệt, các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ. Kết luận này được đưa ra qua khảo sát từ hơn 127.000 công ty từ 28 nước thành viên EU trong 13 năm (2007-2019).
Việc nhận thức về sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là cực kỳ quan trọng, thậm chí mang tính sống còn, nhất là trong môi trường cạnh tranh vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tranh chấp. Trên thực tế, vì lý do tài chính hoặc một số lý do chủ quan khác, nhiều start-up rơi vào cảnh mất quyền sở hữu trí tuệ do bỏ qua việc đăng ký bảo hộ.
Do đó, các doanh nghiệp cần xác định được mình có tài sản trí tuệ nào, cần thống kê, phân loại và tùy từng đối tượng tài sản trí tuệ mà thực hiện biện pháp bảo mật hoặc đăng ký xác lập quyền phù hợp. Đánh giá này rất hữu ích trong việc kêu gọi nguồn vốn và có thể rất quan trọng trong việc bảo vệ các tài sản cốt lõi của doanh nghiệp sau này.
Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và đối tác sẽ tiếp nhận yêu cầu tư vấn và thực hiện tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN tại khu vực phía Nam về lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và các vấn đề có liên quan hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như vấn đề tài chính, định giá tài sản trí tuệ, kinh nghiệm quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Thông qua các hoạt động hỗ trợ pháp lý, các doanh nghiệp trẻ, start-up được tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà phải đối mặt trên thực tiễn, hạn chế rủi ro không đáng có trong quá trình hoạt động sáng tạo sau này.