Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm

Được ví như "một cuộc cách mạng”, chương trình giảm nghèo của Việt Nam từ nhiều năm qua được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận là điểm sáng và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm.

Ngày 28/4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã xuất bản Báo cáo "Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp - Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022”. Theo đó, WB nhận định "Những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 tới nay gần như không có tiền lệ (…)

"Việc đạt được các thành tựu trên không có nghĩa là Việt Nam sẽ ngừng nỗ lực trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, vì chúng tôi vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật về giảm nghèo nhưng Việt Nam vẫn còn 800.000 hộ nghèo. Khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng miền và nhóm dân cư vẫn tồn tại. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao”- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại diễn đàn LHQ ngày 7/5/2024 vừa qua đã khẳng định như vậy.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra, 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo giai đoạn đã tái nghèo chỉ sau 2 năm.

Bên cạnh đó, mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, cần phải có những đổi mới, sáng tạo hơn trong cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các giải pháp giảm nghèo phải triển khai thiết thực và hiệu quả hơn nữa.

Dù phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với quyết tâm cao là "không để lại ai ở phía sau”, Việt Nam sẽ kiến trì thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều để đảm bảo tốt hơn đời sống của một bộ phận dân cư, giúp người nghèo tự mình vươn lên và thoát nghèo bền vững.

Bước vào giai đoạn mới, dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng hơn 1.700 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng hơn 170 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác hơn 97 tỷ đồng. 

Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững

Trong 6 dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” đang được các địa phương triển khai quyết liệt, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm và sinh kế bền vững.

Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện. Mặt khác, cần khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
  

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 10 triệu lao động ở nông thôn được học nghề, trong đó, gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. 

Công tác đào tạo nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách được quan tâm, với 2,1 triệu người được hỗ trợ học nghề. 

Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được kiện toàn, một số cơ sở được đầu tư theo hướng hiện đại, chuẩn hoá. Nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản được duy trì qua các chương trình mục tiêu quốc gia.

Công tác đào tạo nghề cơ bản phù hợp với nhu cầu người học, gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, và xây dựng nông thôn mới. Sau học nghề, số lao động có việc làm, năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên.

Kết quả đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ; bảo đảm an ninh lương thực; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng nông thôn mới, và giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, Chỉ thị của Ban Bí thư cũng chỉ ra rằng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, còn tồn tại những hạn chế, yếu kém.

Một số chỉ tiêu đề ra chưa đạt. Lao động nông thôn chủ yếu được học nghề ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, chất lượng đào tạo còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề còn nhiều bất cập. Hoạt động hỗ trợ người dân sau khi học nghề chưa được triển khai hiệu quả.

Do đó, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đề xuất tiêu chí lao động có thu nhập thấp trong Chương trình giảm nghèo bền vững

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là dự thảo Nghị định). 

Đến thời điểm 30/6/2024, có khoảng 167.980 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Riêng đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa được hỗ trợ triển khai do chưa có văn bản xác định cụ thể. 

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định về tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gia đoạn 2021-2025.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã xác định nguồn vốn cho cả giai đoạn 2021-2025 và hằng năm để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng, trong đó có đối tượng là người lao động có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, hiện nay, đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa có văn bản xác định cụ thể nên 48 địa phương đã được phân bổ kinh phí từ Chương trình nhưng không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp.

Theo báo cáo của 73 cơ quan bộ, ngành, địa phương, tính đến 30/6/2024, có khoảng 167.980 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề; riêng đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa được hỗ trợ triển khai do chưa có văn bản xác định cụ thể.

Vì vậy, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc xác định người lao động có thu nhập thấp để có căn cứ, cơ sở thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này là hết sức cần thiết.

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung điểm c1 vào khoản 2 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gia đoạn 2021-2025.

Cụ thể: Người lao động không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được xác định là người lao động có thu nhập thấp khi thuộc hộ gia đình: 1- Khu vực nông thôn: có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 2.250.000 đồng; 2- Khu vực thành thị: có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 3.000.000 đồng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đề xuất trên nếu được thông qua sẽ góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.

Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững

Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn

- Mục tiêu: Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Một trong bốn đối tượng: Người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp.

- Một trong năm nội dung hỗ trợ: Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

- Tổng nhu cầu vốn thực hiện: 15.300 tỷ đồng.

+ Ngân sách trung ương: 7.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 2.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 5.000 tỷ đồng);

- Ngân sách địa phương: 4.800 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 300 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 4.500 tỷ đồng);

+ Vốn huy động hợp pháp khác: 3.500 tỷ đồng.

(Nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025).