Hà Nội luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong phát triển chính phủ điện tử. Ảnh: Internet

Hà Nội đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc xây dựng Chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng Thành phố thông minh. Hà Nội cũng luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong phát triển chính phủ điện tử.

Đến nay, mạng diện rộng của Thành phố Hà Nội đã kết nối tới các sở, ban, ngành, quận/huyện, xã/phường, hoạt động ổn định; tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành nội bộ, với khoảng 85% văn bản trao đổi được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp tăng đáng kể, đã cung cấp trên 400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dẫn đầu các địa phương trong cả nước về số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến; hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp đang được triển khai tích cực, kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Về  quản lý bưu chính viễn thông, trong năm qua, Hà Nội đã chú trọng các vấn đề quản lý và phát triển hạ tầng. Hiện đang tích cực triển khai “Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến 2020, tầm nhìn đến 2030”, thực hiện thí điểm lắp đặt các trạm BTS thân thiện với môi trường, kết hợp điểm thông tin đa năng tại các quận nội thành; chủ động triển khai Wi-Fi miễn phí tại các điểm công cộng; sáng tạo chuyển đổi hình thức xây dựng, quản lý các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung trên địa bàn theo hình thức xã hội hóa.

Cùng với đó, nhiệm vụ ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ được điều chỉnh từ “Duy trì các ứng dụng cơ bản: thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành tác nghiệp, chuyển nhận văn bản điện tử, tích hợp ứng dụng chữ ký số” thành “Duy trì các ứng dụng cơ bản: thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp trên toàn địa bàn Thành phố và kết nối với Văn phòng Chính phủ, tích hợp ứng dụng chữ ký số;”.

Điều chỉnh nhiệm vụ ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ “Duy trì, mở rộng các Trang/Cổng thông tin điện tử (TTĐT) các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công thành phố và kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia theo qui định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng TTĐT Chính phủ trước ngày 1/3/2016” thành “Duy trì, mở rộng các Trang/Cổng TTĐT các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công thành phố và kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia theo qui định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng TTĐT Chính phủ”.

Nhiệm vụ “Kết nối ứng dụng một cửa điện tử với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông giữa các cấp” được điều chỉnh thành “Hoàn thiện, triển khai hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành”.

Đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 950 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030. Đề án đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 3 đô thị thông minh trước năm 2025 với nguyên tắc sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội hiện có khoảng gần 8 triệu dân, mật độ dân số trung bình lên đến hơn 2,279 người/km2, có những quận trung tâm, mật độ lên tới 42.000 người/km2, mật độ dân số tương đương một siêu đô thị. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh bền vững đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân đang ngày một trở lên cấp thiết.