Trong tham luận “Xu hướng ứng dụng phần mềm nguồn mở trong chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam” tại hội thảo phát triển phần mềm nguồn mở năm 2017 với chủ đề “Chuyển đổi số và phần mềm nguồn mở đối với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội, Chủ tịch VFOSSA Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh, chuyển đổi số là việc tất yếu phải làm với mọi tổ chức và doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi số đang diễn mạnh mẽ trên thế giới, với mọi ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế.
Khẳng định phần mềm nguồn mở đóng vai trò động lực và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số, Chủ tịch VFOSSA Nguyễn Hồng Quảng cho rằng, các tổ chức và doanh nghiệp cần tận dụng tối đa những ưu thế của PMNM cho quá trình chuyển đổi số của mình.
Nhận định về phần mềm nguồn mở và chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Quang chia sẻ: “Ở Việt Nam, theo quan sát của chúng tôi, quá trình chuyển đổi số đã và đang âm thầm diễn ra. Sự phát triển và phổ biến của các mạng xã hội, sự phát triển của thương mại điện tử, các mạng 3G, 4G, Chính phủ/ chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, nộp thuế trực tuyến, thông quan trực tuyến, Uber, Grab... là những dấu hiệu cho thấy chúng ta đã và đang bị cuốn theo xu thế chuyển đổi số không thể cưỡng lại của thế giới”.
Tuy nhiên, Chủ tịch VFOSSA cũng nhận xét, có thể thấy phần lớn tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam dường như còn chưa nắm được chuyển đổi số là gì và ý thức được tầm quan trọng của nó để có chiến lược thích ứng phù hợp.
“Chỉ có một số doanh nghiệp lớn về CNTT như CMC, FPT, VNG theo chúng tôi được biết đã có nhận thức và đề xuất chiến lược về chuyển đổi số. Các tổ chức và doanh nghiệp không phải CNTT hình như vẫn quan niệm việc này không liên quan hoặc chưa liên quan đến mình. Rõ ràng, vấn đề “nâng cao nhận thức” cần được đẩy mạnh trong các tổ chức, các trường Đại học và các doanh nghiệp của tất cả các ngành nghề”, ông Quang nói.
Ông Quang cũng cho hay, cộng đồng nguồn mở Việt Nam, đặc biệt là các thành viên của VFOSSA đã bắt đầu tìm hiểu và có ý thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số cũng như vai trò quan trọng của phần mềm nguồn mở cho quá trình này từ hơn 1 năm trước đây. Và việc VFOSSA phối hợp cùng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) đề xuất “chuyển đổi số” là chủ đề trọng tâm cho hộ thảo quốc gia phần mềm nguồn mở năm nay là một minh chứng cho sự quan tâm của Câu lạc bộ với chủ đề “nóng” này.
Một trong những đóng góp của cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam cho quá trình chuyển đổi số đã được giới thiệu tại hội thảo quốc gia phần mềm nguồn mở năm 2016, đó là phần mềm nguồn mở OpenCPS - phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến “Made in Vietnam” phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a.
Năm 2017, theo chia sẻ của ông Quang, cũng đã chứng kiến sự ra đời của một Cộng đồng mở về Internet kết nối vạn vật (IOCV) do Viện Tin học doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì. IOCV đã nhanh chóng có trên 40 thành viên doanh nghiệp. Cuối tháng 11 vừa qua, hội nghị IOCV lần thứ hai đã chứng nhận 3 giải pháp sử dụng công nghệ IoT dành cho trang trại nông nghiệp thông minh được ứng dụng thực tiễn ở mức sản xuất và 1 giải pháp ở mức chứng minh khả thi. Các giải pháp này đều là sự hợp tác giữa các thành viên IOCV và dựa theo mô hình nguồn mở, công khai, chia sẻ.
VFOSSA hiện đang có gần 60 thành viên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Tất cả các DN thành viên VFOSSA đều có sản phẩm/dịch vụ là phần mềm nguồn mở hoặc sử dụng/dựa trên phần mềm nguồn mở. Các sản phẩm/dịch vụ tương đối đa dạng: email, CMS/web, Tổng đài số, dịch vụ tin nhắn, CRM, ERP, viễn thông/Internet, GIS, phần mềm kế toán chuyên dụng, điện toán đám mây, chính phủ điện tử, số hóa... “Tất cả những sản phẩm/dịch vụ này đều là những ứng viên tiềm năng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số tùy theo nhu cầu của tổ chức và doanh nghiệp”, ông Quang nhấn mạnh.
Cũng trong tham luận tại hội thảo quốc gia phần mềm nguồn mở 2017, Chủ tịch VFOSSA Nguyễn Hồng Quang đã một lần nữa khẳng định cộng đồng phần mềm nguồn mở Việt Nam và VFOSSA đã ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, vai trò động lực của phần mềm nguồn mở trong quá trình này, đồng thời đã và đang có những chuẩn bị bước đầu.
“Các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam cần sớm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, sớm đề ra chiến lược và lộ trình chuyển đổi số cho mình. Hãy tìm hiểu và tận dụng các đối tác cung cấp sản phẩm/giải pháp phần mêm nguồn mở trong nước để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả và tiết kiệm”, Chủ tịch VFOSSA đề xuất.