Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sẽ cử đại diện giám sát quá trình tổ chức và bầu cử của Đại hội nhiệm kỳ VIII Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), dự kiến diễn ra trong tháng 3/2018.

Vấn đề nóng bỏng nhất của Đại hội VIII hiện nay là cơ cấu nhân sự lãnh đạo cấp cao. Cho tới thời điểm hiện tại, ít nhất 2/5 thành viên Thường trực VFF khóa VII là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức sẽ nghỉ. Ông Dũng gặp vấn đề về sức khoẻ, trong khi bầu Đức từng nhiều lần đề đạt nguyện vọng rút lui do bận công việc kinh doanh.

Tin của Tiền Phong cho hay, đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo ngành thể thao vẫn chưa “chốt” được gương mặt nào thực sự sáng giá cho vị trí chủ tịch thay ông Lê Hùng Dũng cho dù người trong giới và cả truyền thông vừa qua đã đưa ra một loạt nhân vật. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, về nguyên tắc nhân sự nhiệm kỳ VIII trong đó có ứng viên chủ tịch sẽ do BCH VFF nhiệm kỳ VII chuẩn bị, dựa trên ý kiến tiến cử của các tổ chức thành viên. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, VFF phải gửi báo cáo lên cơ quan chủ quản và Bộ Nội vụ để được phê chuẩn kế hoạch tổ chức đại hội.

{keywords}
FIFA sẽ cử đại diện giám sát quá trình tổ chức và bầu cử Đại hội VFF khóa VIII sắp tới.

“Điều quan trọng nhất là ứng viên chủ tịch cần nhận được sự ủng hộ của đa số các tổ chức thành viên. Nếu không, cho dù có được phê duyệt để đưa ra đại hội tranh cử cũng khó trúng cử”-ông Vương Bích Thắng cho biết.

Tại cuộc gặp mặt mới đây với báo chí, TTK VFF Lê Hoài Anh cho biết theo dự kiến, nhân sự đại hội VIII sẽ được hoàn tất trước ngày 15/1 tới. Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, ông Lê Hoài Anh khẳng định công tác chuẩn bị thậm chí “đang được hoàn tất với tiến độ nhanh hơn kế hoạch”. Mặc dù vậy, ông Lê Hoài Anh xin phép giữ kín các phương án ứng viên do phải chờ quyết định của BCH.

Một số CLB hôm qua khi được hỏi khẳng định, chưa được VFF lấy ý kiến tiến cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt VFF, trong đó có ứng viên chủ tịch. TGĐ Công ty Cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh hôm qua nói, SLNA “chưa tìm ra được ứng viên nào thực sự ưng ý để tiến cử”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng ứng viên chủ tịch cần phải là người có cả “tâm lẫn tầm”, bất kể là người nhà nước hay doanh nhân. “Nếu là doanh nhân, tôi cho rằng Chủ tịch VFF cần phải có uy tín trong công chúng, đủ khả năng huy động được tài trợ cho VFF, tập hợp được những người giỏi nhất trong giới để làm việc. Nếu là người nhà nước thì phải là một chính khách lớn, tầm cỡ thứ trưởng hoặc bộ trưởng còn “vừa vừa” thì tôi cho rằng không nên, vì bóng đá là môn thể thao được đông đảo người dân quan tâm, có sức lan tỏa và tác động lớn tới xã hội”-ông Nguyễn Hồng Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch VFF cũng không nhất thiết cần giỏi chuyên môn, nhưng phải am hiểu về bóng đá để làm tốt công tác lãnh đạo. Ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng trong trường hợp chưa xác định được phương án tối ưu, VFF có thể lùi thời gian tổ chức đại hội để chuẩn bị thật kỹ lưỡng.

Theo một quan chức VFF, ứng viên Chủ tịch VFF phải được tổ chức thành viên tín nhiệm giới thiệu, chứ không có quyền tự ứng cử. Chính vì vậy, sẽ không có chuyện tới ngày đại hội, một ứng viên nào đó chưa được phê duyệt có thể tự ra ứng cử để “tạo bất ngờ phút 89”. Đây là quy định của FIFA đối với tất cả các tổ chức thành viên.

“FIFA sẽ cử người giám sát quá trình tổ chức, bầu cử của đại hội VIII để đảm bảo mọi việc tuân thủ đúng quy định”-quan chức VFF trên cho hay. Ở các nhiệm kỳ gần đây, ứng viên Chủ tịch VFF chỉ có một người, gần nhất là trường hợp của Chủ tịch Lê Hùng Dũng, và khi ra đại hội đều trúng cử.

Theo một quan chức VFF, ứng viên Chủ tịch VFF phải được tổ chức thành viên tín nhiệm giới thiệu, chứ không có quyền tự ứng cử. Chính vì vậy, sẽ không có chuyện tới ngày đại hội, một ứng viên nào đó chưa được phê duyệt có thể tự ra ứng cử để “tạo bất ngờ phút 89”. Đây là quy định của FIFA đối với tất cả các tổ chức thành viên.

Theo Tienphong.vn