Trung tuần tháng 1/2015, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã đại diện tập đoàn này dự hội nghị thường niênDiễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 45 (WEF 45) có chủ đề “Bối cảnh toàn cầu mới” tại Davos, Thụy Sĩ.
Trong khuôn khổ Hội nghị Davos 2014, đại diện lãnh đạo FPT đã tích cực làm việc, thảo luận và có nhiều buổi gặp song phương với 20 công ty hàng đầu nước Mỹ như: EMC, Aeta, Dell, KPMG, Citi Group, Bank of America, Lockheed Martin, Echolab, Qualcomm, UPS, Dupont, Nike…
Đặc biệt, những thành quả bước đầu FPT thu được từ Hội nghị Davos là: FPT đã xúc tiến thành lập IT-SW Center cho công ty công nghệ sinh học hàng đầu Mỹ; xây dựng đối tác chiến lược với hãng phần mềm về quản lý thông tin và lưu trữ dữ liệu số thuộc danh sánh Fortune 500...
Trở về từ Davos, trong số Leader Talk đầu tiên của năm mới 2015 có chủ đề “Nhà lãnh đạo và bí quyết nhận diện cơ hội” diễn ra ngày 10/2 vừa qua, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã chia sẻ về những trải nghiệm tại Hội nghị Davos 2014, cơ hội cùng thách thức với FPT trong thời gian tới và đặc biệt là những bí quyết tìm kiếm và nhận diện cơ hội trong kinh doanh.
Chia sẻ với hơn 100 cán bộ, nhân viên FPT về kinh nghiệm nắm bắt cơ hội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã kể lại câu chuyện của mình thời trẻ, khi anh có rất ít cơ hội nhưng đã dám chớp lấy và thực hiện. Lúc đó, có nhà máy đang cần sấy thuốc lá, dù không biết gì nhiều nhưng anh vẫn nhận làm. Khi đi ký hợp đồng, ông không có phương tiện nhưng may mắn được bạn cho mượn chiếc xe Honda 67 để đi từ TP.HCM xuống Đồng Nai và đã kiếm được hợp đồng đầu tiên.
“Nếu không có chiếc xe ấy chắc bây giờ tôi vẫn chỉ là nhà nghiên cứu cơ học và đã không có FPT hôm nay. Ước mơ không khó đến nhưng cái khó là giữ được ước mơ. Mong mọi người có ước mơ và sẵn sàng cháy hết mình thực hiện nó cho bản thân, cho FPT”, ông Bình nói.
Người đứng đầu FPT cho rằng, giờ là thời điểm tốt nhất để tập đoàn thực hiện những khát vọng lớn vì cơ hội đang đến với FPT. Sau nhiều năm phấn đấu, FPT đã xây dựng được thương hiệu tốt, với quy mô hơn 22.000 nhân viên, đủ cho khách hàng tin tưởng và là cơ sở để đạt những hợp đồng giá trị hàng chục triệu USD trở lên. Bên cạnh đó, theo ông Bình, bối cảnh thế giới càng có nhiều biến động thì cơ hội cho FPT càng nhiều, bởi tập đoàn có thể mua những công ty tốt với giá rẻ và tận dụng thời cơ khi nhiều công ty lớn về CNTT đang đổ về Việt Nam.
Đặc biệt, ông Bình cũng nhận định, thế giới đang đứng trước một bước ngoặt lớn về công nghệ. Lịch sử cho thấy tất cả đế quốc hùng hậu đều vươn lên nhờ yếu tố này và hiện nay nhân loại đang sở hữu một công nghệ vượt xa tất cả những thứ khác, đó là S.M.A.C (Social - Xã hội, Mobile -Di động, Analytics - Phân tích, dựa trên Dữ liệu lớn và Cloud - Đám mây). S.M.A.C sẽ làm thay đổi toàn bộ các mô thức kinh doanh, mô thức giao tiếp, học tập… kết nối thế giới thực và thế giới ảo, thay đổi mọi ngành nghề trong xã hội. “Có nhiều cơ hội đã đến nhưng chúng ta không có khả năng chớp lấy vì chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng. Bí quyết nắm bắt cơ hội là học hỏi liên tục, có trí tưởng tượng phong phú và hết sức tự tin”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng dự đoán, trong năm 2015, FPT sẽ có nhiều bước đột phá lớn như việc đạt nhiều hợp đồng lớn ở Mỹ, Nhật, châu Âu; cơ hội về S.M.A.C rộng mở và việc hợp tác đem lại kết quả tăng trưởng cao. “Với thị trường trong nước, FPT vẫn còn nhiều cơ hội cung cấp các giải pháp công nghệ thông minh về: Giao thông vận tải (FPT IS đã triển khai cho đường sắt Việt Nam), Y tế và Chính phủ điện tử. Việt Nam có 63 tỉnh thành và cơ hội nhiều không thể tưởng tượng hết”, ông Bình khẳng định.
Ngoài việc đẩy mạnh thị trường trong nước, “thuyền trưởng” FPT cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác trong toàn cầu hóa, nhất là mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Theo ông, một công ty toàn cầu hóa không có nghĩa là hiện diện nhiều nơi mà phải vươn lên tầm suy nghĩ “nhân lực, thị trường, vốn liếng, công nghệ toàn cầu là của mình và FPT phải trở thành công ty công nghệ toàn cầu số một”.
Để làm được những điều đó, ông Bình cho rằng người FPT cần “nói ít làm nhiều”, thực hiện “lean startup” bằng cách triển khai từng đề án, sau khi thành công sẽ làm tiếp. Người FPT, nhất là đội ngũ quản lý phải sáng tạo, luôn nhìn thấy những vấn đề cần giải quyết, có kỹ năng lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, quản lý, lãnh đạo, khả năng nhận thức, trình bày, thuyết phục, tìm kiếm và giữ nhân tài, đồng thời phải đi giảng dạy để học thêm cho chính mình.
Mỗi người FPT cần vươn lên làm những công việc ở tầm cao hơn, sâu hơn, đòi hỏi trình độ chuyên môn tốt hơn. Đặc biệt, người “đầu lĩnh” lean startup cần có khát vọng, đam mê lớn, chi tiết và có kỹ năng làm việc với nhân tài. FPT đang thiếu những cá nhân xung phong về bảo mật, giao thông, y tế thông minh.
Chủ tịch FPT cũng nhấn mạnh hai từ khóa quan trọng nhất là “học” - học bằng “Constructivism - Chủ nghĩa kiến tạo”; và tiếp đó là “hành” thông qua “lean startup”. Theo anh, để vươn lên thì FPT phải là một tổ chức học tập, người FPT phải không ngừng học hành: người người, nhà nhà và nơi nơi đều phải học.
“Trong giai đoạn bước ngoặt về công nghệ của thế giới, sẽ có rất nhiều cơ hội, các bạn hãy mạnh dạn thực hiện. Từ khóa lớn nhất của FPT thời gian tới là tăng trưởng, nên tôi muốn truyền lửa cho các bạn dám nghĩ dám làm, tìm tòi ý tưởng và hành động ngay”, ông Bình nhấn mạnh.