Tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng và Gặp gỡ hội viên đầu Xuân 2016 của VINASA vừa diễn ra chiều 12/3/2016 ở Hà Nội, Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ dự báo: “Ở trong nước, tôi có cảm giác nền công nghiệp và đất nước ta sẽ rất khó khăn về tài chính. Những doanh nghiệp làm cho cơ quan nhà nước không biết sẽ thế nào. Cơ chế thuê dịch vụ CNTT nói nhiều nhưng đến nay vẫn chưa xong, chưa triển khai được trong thực tế”.
“Về chính sách, chúng ta vẫn đang rất hồi hộp. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đưa ra ý tưởng nếu lấy chính sách tốt nhất của các nước áp dụng tại Việt Nam thì ngành CNTT có thể tăng trưởng 30%/năm, qua đó, Việt Nam có thể thêm 1,5% GDP, đây là con số rất ấn tượng. Nếu thêm được thanh toán điện tử thì tăng thêm 1%GDP. Tổng cộng là 2% GDP. Trên thực tế, về chính sách vĩ mô, nhiều chính sách tích cực đã được đưa ra, nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức”, ông Trương Gia Bình cho biết thêm.
Nhìn ra thế giới, Chủ tịch VINASA kể lại cảm xúc đa chiều của mình khi tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới Davos mới đây.
“Mỗi lần đến Davos, được nghe các vấn đề toàn cầu, quả thực rất áp lực với cá nhân tôi. Ví dụ CNTT giờ chế tạo ra vũ khí có thể giết người mà không cảm xúc. Chiến tranh giờ mất nhân tính, có thể không cần người tham dự. Tại Davos, tôi ấn tượng với thông điệp lớn nhất do Chủ tịch Diễn đàn Klaus Schwab công bố, đó là đã có cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4. Dự kiến khoảng năm 2030 - 2035 sẽ có những thành phố không còn đèn xanh đèn đỏ bởi sử dụng xe không có người lái, khoảng 10% dân số thế giới sẽ mặc những bộ quần áo có con chip lớn. Tuy nhiên, có vẻ Việt Nam đang ở rất xa, vẫn không cảm giác được những tư duy, áp lực mới đang xảy ra”, ông Trương Gia Bình nói.
Chủ tịch Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh sự lo lắng về sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng số: “Doanh nghiệp kiểu cũ làm thế nào sống sót khi có những doanh nghiệp kiểu mới như Uber. Máy móc sẽ thay đổi con người. Đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất chính là những nhân viên cổ cồn. Ngay cả những lập trình viên cũng có thể bị ảnh hưởng. Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đặt cho tôi câu hỏi “anh dự báo thế nào về chiến lược phát triển công ty khi đang dựa vào lập trình viên”. Tôi chịu không trả lời được”.
Một điểm đáng chú ý khác nữa cũng được Chủ tịch VINASA nhấn mạnh, đó là “Internet đã đẻ ra thế hệ công dân mà thái độ, hành vi hoàn toàn khác với cách ứng xử của chúng ta. Họ là công dân Internet (Internet People)”.