Sáng 9/3, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì phiên họp giao ban định kỳ với các quận, huyện, sở, ngành về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.
Hướng vấn đề thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cho biết, gần đây trên một số phương tiện truyền thông có thông tin trong 6 tháng tới, TP.HCM sẽ xuất hiện thêm một làn sóng dịch nữa, thông tin này ít nhiều gây lo lắng với người dân.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Có sự lo lắng về làn sóng dịch Covid-19 mới |
Do đó, ông Mãi yêu cầu ngành y tế phân tích, đánh giá đúng tình hình, đưa ra các giải pháp phù hợp trong phòng, chống dịch.
Với ngành giáo dục, ông Mãi cho biết, dù có sự chuẩn bị, nhưng ca nhiễm vẫn tăng trong mấy tuần đi học. Vì vậy, cần phải có các biện pháp an toàn hơn.
Ông cũng cho rằng, tình hình hiện nay, cần tránh trường hợp một số nơi quá lo lắng, có thể đưa ra các biện pháp cực đoan, một số nơi lại lơ là, chủ quan.
Ông chỉ đạo các địa phương tăng cường và triển khai mạnh mẽ chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao và trẻ em. Triển khai các biện pháp chống dịch, nhưng cũng quan tâm tháo gỡ các vướng mắc để phục hồi kinh tế.
Ông yêu cầu các địa phương, các ngành, nhất là Sở Y tế bàn kỹ các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp khi tháng 3 tới, TP mở cửa hoàn toàn về du lịch và đường hàng không, cần đưa ra những biện pháp phù hợp nào?
Biến chủng Omicron tàng hình (BA.2) chiếm ưu thế
Cập nhật tình hình dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, đến nay trên thế giới trải qua 3 làn sóng, tương ứng với một biến chủng. Cụ thể, làn sóng 2 là Delta và làn sóng 3 là Omicron với 2 biến thể là BA.1 và BA.2. Một số nước trải qua đợt dịch thứ 3 chủ yếu là BA.1; biến chủng BA.2 mới chỉ xuất hiện ở một vài nước ở châu Phi, Ấn Độ.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại phiên họp giao ban |
"BA.2 giống như BA.1 về lây bệnh nhưng mức độ lây lan nhanh hơn", ông Thượng cho hay.
Thông tin về các ca nhiễm, theo ông Thượng, trong ngày hôm qua, khi sàng lọc qua PCR nghi Omicron là 103 ca. Tiến hành giải mã gene 67 mẫu phát hiện 24 mẫu mắc chủng BA.1; 43 mẫu là BA.2 (chiếm 64%).
“Qua đó, có thể thấy ở TP.HCM hiện nay, chủng BA.2 đang chiếm ưu thế”, ông Thượng nói.
Nếu có làn sóng dịch mới BA.2 thì vắc xin phòng Covid-19 trước đây còn hiệu quả hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Thượng cho rằng, điều này cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới khẳng định vắc xin vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không bị bệnh nặng, nhưng vắc xin không đủ chống chọi để có thể không bị nhiễm BA.2.
“Điều này có nghĩa là khi bị BA.2 tấn công, chúng ta vẫn bị nhiễm, nhưng những người tiêm vắc xin sẽ được bảo vệ không bị bệnh nặng” – ông Thượng nói.
Chính vì vậy, Giám đốc Sở Y tế cho rằng cần phải đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin, bởi biến chủng BA.2 sắp tới sẽ chiếm ưu thế.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, những ngày gần đây có số ca mắc mới có tăng, nhưng chậm lại so với các tuần trước đó. Trong ngày 8/3, TP có 93.000 F0 (thời điểm cao nhất là ngày 6/9/2021 có 154.554 ca F0).
Về học sinh bị nhiễm: tổng số ca nghi nhiễm từ 1-7/3 là 34.200 ca, tăng gấp đôi so với tuần trước.
Trước tình hình ca nhiễm tăng trong các trường học, ông Hưng cho biết sẽ cùng ngành Giáo dục thường xuyên giám sát chặt chẽ, có biện pháp bảo đảm an toàn, nhất là với học sinh học bán trú.
TP.HCM chỉ còn 4 địa phương vùng cam
So với tuần trước, tuần này số phường, xã cấp độ 3 (vùng cam) giảm từ 13 xuống còn 4 địa phương.
Hồ Văn