Những ngày đầu tháng 10, có 2 câu chuyện giáo dục thu hút sự chú ý của dư luận. Đó là chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đi dự giờ và cô giáo ở Sài Gòn đánh mắng học sinh được camera ghi lại.
Khai giảng năm học mới 5/9, Chủ tịch UBND Huế Phan Ngọc Thọ và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương đều viết thư cho học sinh tỉnh nhà, bức thư của ông Dương được chú ý hơn do cách viết gần gũi.
Sau đó một tháng vào ngày 10/10, ông Thọ tiếp tục bày tỏ sự quan tâm tới giáo dục với việc đi dự giờ tại các trường phổ thông. Ông định vào lớp học có cô giáo dạy văn “nổi tiếng trên mạng” với màn chào hỏi yêu thương trao hạnh phúc" phiên bản Việt”. Nhưng cô không có tiết dạy nên ông lại vào dự giờ môn Đạo đức.
Đọc kỹ ra thì thấy ông đang là "người lái đò" chở 2 thông điệp - hay nói đúng hơn là 2 phong trào trọng tâm của ngành giáo dục trong năm nay. Đó là chú trọng cả "dạy chữ, dạy người" và phát triển "trường học hạnh phúc".
Chuyến "vi hành" của quan chức nào cũng có chút làm hình ảnh, nhưng việc thị sát bất ngờ như thế này cũng phát đi những ý nghĩa tích cực. Bộ trưởng Giáo dục mà có thêm các chủ tịch tỉnh đồng hành như thế này thì thông điệp của ngành chẳng mấy chốc được lan toả sâu rộng. Bấy lâu nay, ngành giáo dục thường có nỗi niềm rằng phát triển giáo dục còn có cả vai trò rất lớn của địa phương bởi họ nắm tài chính và nhân sự, nhưng cứ có sự cố gì lại “trăm dâu đổ đầu ngành". Bởi vậy, sự hiện diện của quan chức địa phương tại các trường học là sự khích lệ đáng quý.
“Nặng dạy chữ, nhẹ dạy người” và chưa theo đuổi triết lý làm cho học sinh hạnh phúc là những bất cập lớn của nền giáo dục hiện hành. Câu chuyện thầy cô đánh mắng học sinh được camera ghi lại ở Hải Phòng hay ở TP.HCM phát lộ ra ngoài là những biểu hiện cụ thể. Tại TP.HCM, có trường học đã mở cửa cho phụ huynh vào xem tận giờ học, bữa ăn của các con; để những sự việc diễn ra sau cánh cổng trường không còn là bí ẩn, xa cách.
Nhưng làm thế nào để “trường học hạnh phúc” thì những lần đột xuất hay được mời đến dự giờ vẫn là chưa đủ. Chừng nào những cảnh "camera giấu kín" quay lén cũng chỉ cho thấy một bầu không khí say mê ham học hỏi khám phá của thầy và trò, khi trường học mới thực sự là hạnh phúc.
Mà để như thế, cho thôi việc một vài giáo viên, lắp camera giám sát,v.v… chưa bao giờ là giải pháp tận gốc. “Quả bóng hạnh phúc” nằm ở tay các chủ tịch các địa phương, lãnh đạo ngành và hơn thế nữa.
Không phải giáo viên nào cũng có được may mắn dạy ở những lớp học 30-35 học sinh khi mà chung cư mở rộng nhanh còn trường học bị xây chậm. Một giáo viên khó lòng khai phóng tâm trí khi bị áp lực căng thẳng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thể hiện bằng con số, các phong trào; không bị lương thấp làm méo mó hành vi...Một nhà trường khó đảm đương sứ mệnh khai mở và phát triển tối đa các cá nhân học sinh có nhân cách riêng biệt, phong phú chừng nào vẫn còn áp lực của cơ quan hành chính và thụ động, thiếu đi sự dân chủ…Giải phóng cho được "điểm ngẽn" hành chính giáo dục là cách đưa tới cho thầy cô hạnh phúc tự thân, từ đó lan toả tới học trò.
Sau viết thư, dự giờ, ông Phan Ngọc Thọ sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại với học sinh - một hoạt động thường niên mà TP.HCM đã làm nhiều năm nay. Hy vọng, sau những hoạt động "nhúng mình và lắng nghe", các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục chung tay giải quyết căn cơ các bất cập của giáo dục, để "trường học hạnh phúc" không chỉ là phong trào loé lên theo nhiệm kỳ.
Hạ Anh
Chủ tịch tỉnh bất ngờ "rủ" giám đốc sở dự giờ môn Đạo đức
Chủ tịch UBND và Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đi kiểm tra đột xuất và cùng ngồi học môn Giáo dục công dân, Đạo đức với các học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở.