"Chúng tôi khao khát phát triển kinh doanh, không quan tâm đến việc tách nó", người đứng đầu Samsung Electronics trả lời truyền thông trong chuyến công tác Philippines hôm đầu tuần.
Liên quan đến việc trì hoãn hoạt động của xưởng đúc mới hiện đang được xây dựng ở Taylor, Texas (Mỹ), ông Lee cho biết, có một chút khó khăn do tình hình đang thay đổi với cuộc bầu cử Mỹ.
Bình luận của Chủ tịch Samsung được đưa ra sau khi Intel gần đây tuyên bố sẽ tách mảng kinh doanh xưởng đúc, làm dấy lên tin đồn rằng Samsung có thể làm theo.
Các chuyên gia cho rằng, việc Samsung tiếp tục mở rộng kinh doanh xưởng đúc là hợp lý vì đó là "tương lai" của công ty, đặc biệt là trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI).
Lee Jong Hwan, Giáo sư kỹ thuật bán dẫn hệ thống Đại học Sangmyung, nhận định, tách mảng đúc chip sẽ là một sai lầm lớn. “Thị trường non-memory chip lớn hơn nhiều so với thị trường memory chip mà Samsung đang thống trị. Samsung biết họ không thể chỉ dựa vào memory chip. Từ bỏ mảng này chẳng khác nào từ bỏ tương lai", ông nói.
Non-memory chip chỉ các chất bán dẫn không có đặc tính nhớ, khác với memory chip, là các chất bán dẫn có thể lưu trữ thông tin.
Kinh doanh thua lỗ
Năm 2019, Chủ tịch Samsung đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là vượt qua TSMC để dẫn đầu thị trường đúc chip vào năm 2030.
Sau khi tách khỏi bộ phận System LSI năm 2017, mảng đúc chip của Samsung dường như khởi đầu khá thuận lợi nhờ đầu tư mạnh mẽ. Năm 2022, Samsung là hãng chip đầu tiên sản xuất chip sử dụng quy trình 3nm với kiến trúc bóng bán dẫn Gate-All-Around tiên tiến.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, những hạn chế trở nên rõ ràng hơn. Khi TSMC đang tận dụng sự bùng nổ AI, xưởng đúc của Samsung tiếp tục vật lộn với thua lỗ, tỷ lệ năng suất thấp và thiếu khách hàng lớn như Apple và Qualcomm.
Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, từ tháng 4 đến tháng 7, TSMC duy trì vị thế dẫn đầu với thị phần 62%, còn Samsung xếp thứ hai với 13%.
Các nhà phân tích dự đoán mảng đúc chip của Samsung sẽ ghi nhận khoản lỗ hoạt động hơn 1 nghìn tỷ won trong nửa đầu năm 2024 và 2 nghìn tỷ won cả năm, tương tự như năm 2023.
Trong bối cảnh làm ăn thua lỗ, ý tưởng tách mảng kinh doanh xưởng đúc tiếp tục xuất hiện. Dù vậy, một giám đốc Samsung giấu tên cho biết, xưởng đúc không thể đứng một mình vì thiếu nguồn lực tài chính.
Tính đến cuối năm 2023, TSMC có tổng cộng 77.045 lao động. Toàn bộ bộ phận bán dẫn của Samsung đang tuyển dụng 67.000 người, trong đó, 60% làm trong mảng memory chip và khoảng 20% cho xưởng đúc.
Tiến thoái lưỡng nan
Giáo sư Lee chỉ ra, để duy trì tính cạnh tranh trong ngành kinh doanh đúc chip, Samsung nên thực hiện một sự thay đổi đáng kể trong văn hóa tổ chức “cứng nhắc”.
Theo ông, công ty đã quen với việc tạo ra các sản phẩm tiêu chuẩn, hoàn chỉnh rồi mới cung cấp cho khách hàng.
Trong khi đó, “thị trường đúc chip hoàn toàn lấy khách hàng làm trung tâm. Quá trình sản xuất và làm việc nên đủ linh hoạt để điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng”.
Park Jae Geun, người đứng đầu Hiệp hội Công nghệ Bán dẫn và Màn hình Hàn Quốc, kiêm Giáo sư kỹ thuật điện tử tại Đại học Hanyang, chỉ ra viễn cảnh lý tưởng để Samsung tách xưởng đúc là khi giành hơn 30% thị phần đúc chip toàn cầu đối với các sản phẩm cao cấp (sản xuất trên quy trình 7nm hoặc mới hơn).
Các chuyên gia đồng ý rằng, việc tách xưởng đúc sẽ xua tan lo ngại của khách hàng về việc phải cung cấp bản thiết kế chip có tính bảo mật cao của họ cho Samsung, vốn có thể là đối thủ của họ trong các lĩnh vực chip khác.
Ông Park gợi ý, Samsung có thể xem xét tách mảng kinh doanh sản xuất chip tầm trung, sử dụng các công nghệ cũ hơn như quy trình 40nm. Theo ông, đây là lựa chọn hợp lý nếu xét đến khả năng cạnh tranh về chi phí.
Việc sản xuất chip trung cấp tại các nhà máy chip tiên tiến của Samsung ở Yongin hiện nay quá đắt, do chi phí nhân công và cơ sở hạ tầng cao.
Hôm nay (8/10), Samsung đã phải xin lỗi “khách hàng, nhà đầu tư và nhân viên” sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III sơ bộ thất vọng.
(Theo Korea Herald, CNBC)