Tại buổi tiếp xúc cử tri, cử tri Trần Hoàng Phú quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Cử tri Trần Hoàng Phú trình bày: Theo dõi thông tin trên báo chí, cử tri được biết bà Hồ Thị Kim Thoa thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công Thương - bà ấy có sai phạm nhưng các cơ quan chức năng không làm việc. Cho tới khi bà Thoa định cư ở Pháp thì mới phát hiện và truy tố..
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri huyện Phong Điền |
Ông Phú dẫn thêm trường hợp của ông Đinh La Thăng khi làm Bộ trưởng GTVT, rồi làm ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, một thời gian sau thì phát hiện có sai phạm làm thất thoát tiền nhà nước...
“Quốc hội có biện pháp nào để phòng chống tội phạm có hiệu quả, tức khi phát hiện tội phạm có biện pháp ngăn chặn, đồng thời thu hồi được tiền, để làm sao không cho vi phạm lớn hơn?”, ông Phú đặt vấn đề.
Ý kiến của cử tri là đúng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin, mỗi kỳ họp Quốc hội, các cơ quan sẽ có một báo cáo về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trước hết, Chính phủ có báo cáo chung về công tác phòng, chống tội phạm do Bộ Công an trình bày, tới VKSND Tối cao báo cáo hoạt động truy tố tội phạm, kiểm sát các hoạt động tư pháp. Chánh án TAND Tối cao cũng có báo cáo công tác xét xử của toà. Bộ Tư pháp báo cáo trước Quốc hội về thực hiện nhiệm vụ công tác thi hành án.
“Vừa rồi, chúng tôi dành thời gian nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường. Trước đó các cơ quan đã thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Viện, Toà và phản biện lại báo cáo đó để ra QH có cơ sở thảo luận. Đánh giá chung về phòng, chống tội phạm có tiến bộ nhất định, có những điểm sáng tích cực, tội phạm có giảm hơn”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa và ông Đinh La Thăng đã bị kỷ luật về mặt Đảng và đã bị khởi tố.
“Còn lúc bị khởi tố, tại sao bà Thoa không có mặt, vì lúc bà Thoa đi nước ngoài vì chưa bị cấm quyền xuất cảnh. Sau này làm các vụ án thì mới phát hiện ra sai phạm đến mức phải khởi tố hình sự, chứ không phải khởi tố rồi để bà Thoa trốn đi”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, ý kiến của cử tri là đúng, mong muốn làm sao hiệu quả phòng, chống tội phạm tốt hơn, đừng để những người phạm tội hình sự phải trốn ra nước ngoài. Phải phát hiện kịp thời, không để lúc phạm tội không phát hiện, khi giao chức vụ cao hơn mới phát hiện thì ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, Nhà nước, hình ảnh của cán bộ Đảng viên.
Giải pháp nào hạn chế tình trạng hạn mặn?
Cử tri huyện Phong Điền cũng nêu trăn trở có giải pháp cụ thể để hạn chế tình trạng hạn mặn diễn ra ở ĐBSCL....
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vừa qua, Chính phủ có nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó, đề cập rất nhiều đến ứng phó biến đổi khí hậu.
Bà tin tưởng, các bộ ngành chức năng có giải pháp cụ thể, để có những công trình như sông Cái Lớn, Cái Bé và nhiều công trình khác chống được xâm nhập mặn và thoát lũ.
Đồng thời, ngành sản xuất nông nghiệp cũng phải thích ứng với biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu cây trồng...
Chủ tịch Quốc hội trả lời cử tri về giao thông ĐBSCL
Sáng 24/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng.
Thiện Chí