Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của EU về chính sách Đối ngoại và An ninh Federica Mogherini 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sáng nay tiếp bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách Đối ngoại và An ninh.

Chủ tịch QH bày tỏ vui mừng trước những bước tiến mới trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU thời gian qua. Hai bên đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); triển khai các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp nhằm triển khai Hiệp định Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam-EU (PCA), Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU; phê chuẩn và đưa vào triển khai ngay sau khi có hiệu lực Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

Chủ tịch QH khẳng định, Việt Nam luôn coi Liên minh châu Âu là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. 

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, tiếp theo việc thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vào tháng 6/2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xem xét, thông qua hai Công ước số 108 và 87 của ILO, Bộ luật Lao động sửa đổi. 

Bày tỏ lạc quan về triển vọng quan hệ Việt Nam-EU thời gian tới, Chủ tịch QH mong muốn Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia EU sớm xem xét phê chuẩn EVFTA và EVIPA để hiện thực hóa những cam kết của hai bên đối với thương mại tự do và đầu tư với những lợi ích chiến lược cho cả Việt Nam và EU. Về phần mình, bà cho biết đã yêu cầu Chính phủ hoàn tất thủ tục để QH phê chuẩn hai hiệp định này vào tháng 10 tới.

Chủ tịch QH cho biết Việt Nam sẽ xem xét tích cực việc ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu (FPA).

Bà Federica Mogherini khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam, trong đó vào năm 2020 sắp tới khi Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA).

Biển Đông lợi ích kinh tế, an ninh của nhiều quốc gia

Bà Federica Mogherini cho rằng, trong cơ chế Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Việt Nam đã điều phối với nhau trong nhiều vấn đề, đã thể hiện lập trường của các bên. Do đó, khi Việt Nam đảm nhận các vai trò trên sẽ là cơ hội tốt để EU và các nước thành viên thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, với ASEAN trong khuôn khổ ASEAN, Liên Hợp Quốc...

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, là một quốc gia có biển, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng...

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách Đối ngoại và An ninh Federica Mogherini đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 đối với quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển.

Theo bà Federica Mogherini, nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, Biển Đông cũng là lợi ích kinh tế, lợi ích về an ninh của nhiều quốc gia, trong đó có Liên minh châu Âu; đây là vấn đề của toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng quan tâm.

Theo TTXVN

EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

 Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini khẳng định lập trường nhất quán của EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.