Chiều 23/4, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc phiên họp đã hoàn thành các nội dung đề ra.
Trong 4,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và ý kiến bằng văn bản với 3 báo cáo của Chính phủ.
Về công tác lập pháp, phiên họp đã cho ý kiến vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Ba nội dung sẽ chuyển sang phiên họp tiếp theo là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và 2 dự thảo nghị quyết liên quan cơ chế đặc thù với TP Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An.
Căn cứ vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, gửi đến đại biểu Quốc hội theo quy định.
Về công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 4 báo cáo giám sát. Trong đó có báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ nên chỉ tập trung giám sát tối cao 1 chuyên đề với Quốc hội và 1 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giảm bớt nội dung liên quan giám sát chuyên đề.
Cùng với đó, xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội năm 2023.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Trên cơ sở ý kiến bước đầu này, các cơ quan hoàn thiện báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét khi thông qua dự Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau từng nội dung đã có kết luận, Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng đã trình ban hành sớm. Với những nội dung còn lại, Tổng Thư ký Quốc hội sớm trình các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách để cho ý kiến, kết luận sớm, để các cơ quan có cơ sở thực hiện và chuẩn bị các nội dung khác phục vụ kỳ họp thứ 7.
Theo công văn triệu tập, dự kiến kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 28/6. Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội và được tiến hành theo 2 đợt. Trong đó, đợt 1 từ ngày 20/5 đến sáng ngày 8/6, đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6.