Trong 2,5 ngày, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã hoàn thành trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết có 49 ý kiến đại biểu chất vấn, tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn.
“Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển trong xây dựng, làm đường giao thông và các lĩnh vực khác; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.
Ngành TN&MT cần ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên. Bảo đảm hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến.
Về phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 40 đại biểu chất vấn và tranh luận. “Bộ trưởng đã trả lời cơ bản đầy đủ các vấn đề các Đại biểu Quốc hội nêu”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua hoạt động của ngành Công Thương có nhiều đổi mới, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hoàn thiện. Nhất là trong hoạt động thương mại điện tử, nhiều vụ việc nổi cộm về bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội đã được phát hiện, xử lý nghiêm.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng; nghiên cứu bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán, cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Đối với phiên chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước, có 35 đại biểu đăng ký phát biểu và đã được phát biểu chất vấn hết, trong đó có 1 ý kiến tranh luận.
“Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Tổng Kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề Đại biểu Quốc hội đặt ra”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị; có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật.
Kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tăng liên tục qua từng năm, thu nộp về ngân sách nhà nước với số tiền khá lớn.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Kiểm toán Nhà nước triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán từng bước được khắc phục.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, có 45 lượt ý kiến phát biểu. Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề Đại biểu Quốc hội đặt ra.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù.
Bộ VHTT&DL cần khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, sớm ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.