Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói như vậy tại buổi tiếp xúc với cử tri các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè diễn ra sáng 3/7.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Quốc Hùng (huyện Nhà Bè) bày tỏ sự lo lắng. Ông cho rằng thời gian qua, lương chưa tăng nhưng giá cả các mặt hàng đã rục rịch tăng. Ông Hùng đề nghị TPHCM có giải pháp kiềm chế việc này, đồng thời xem xét lại mức thuế thu nhập cá nhân cho hợp lý với thực tế cuộc sống.
Còn cử tri Vũ Thị Mỹ Hạnh (quận 7) nêu ý kiến khi tăng lương cơ sở, thành phố cần sắp xếp chính xác vị trí việc làm, vì đây là cơ sở cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, việc áp dụng lương theo vị trí việc làm phải quan tâm đến thâm niên công tác của cán bộ…
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố một mặt tăng cường quản lý giá, mặt khác đã triển khai chương trình bình ổn thị trường. Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy chỉ số giá thấp hơn cùng kỳ. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì chương trình bình ổn và tăng cường công tác quản lý.
Về trả lương đúng vị trí việc làm, theo ông Mãi, thành phố đã và đang nghiên cứu, xây dựng đề án về nội dung này.
Ông Phan Văn Mãi nhận định, việc cải cách tiền lương không chỉ tác động đến đội ngũ công chức, viên chức mà còn ảnh hưởng tới nhiều đối tượng khác. Đối với đội ngũ cán bộ hưởng lương ngân sách, trước khi cải cách tiền lương có hiệu lực, thành phố đã có sự chuẩn bị nên không có gì trục trặc.
Bên cạnh đó, khi lương tăng thì chính sách với các đối tượng hỗ trợ khác cũng thay đổi. Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan để việc triển khai được đồng bộ.
Ông Mãi cũng đồng tình với cử tri về ý kiến lương tăng thì năng suất làm việc phải tăng. Thành phố đang xây dựng đề án “Vị trí việc làm gắn với cải cách lương cơ sở”, qua đó nghiên cứu một số hình thức trả lương phù hợp theo vị trí việc làm và công việc nhưng không làm tăng tổng quỹ lương.
Trao đổi thêm vấn đề này, đại diện Sở Nội vụ TPHCM cho biết, đề án vị trí việc làm cấp thành phố đã hoàn thiện và báo cáo với Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, đề án vị trí việc làm cấp cơ sở cũng đã xong và báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.
Thành phố còn 'nợ' người dân dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng
Liên quan đến các vấn nạn ngập nước, ùn tắc, ô nhiễm… ông Phan Văn Mãi yêu cầu các quận, huyện tiếp thu ý kiến cử tri, triển khai phương án và công trình để nâng cao chất lượng sống của người dân.
Trong đó, ông Mãi đặc biệt nhấn mạnh đến dự án chống ngập gần 10 nghìn tỷ đồng mà thành phố còn "nợ" người dân. Các cấp chính quyền thành phố và Trung ương đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa dự án vào vận hành.
Trong 6 tháng cuối năm, thành phố nỗ lực triển khai một số dự án trọng điểm về giao thông nhằm giảm ùn tắc, các dự án khơi thông kênh rạch để giảm ô nhiễm môi trường và chống ngập úng.
“Từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ giữ các đơn vị hành chính như khu trung tâm hiện hữu, mô hình TP Thủ Đức và 16 quận. Trong đó, 5 huyện ngoại thành được đầu tư để đạt tiêu chí đô thị loại 3”.
100 CEO từ các quốc gia trên thế giới đã tề tựu tại TP.HCM để góp ý, hiến kế giúp chính quyền thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh.