Sáng 19/1 (tức 20 tháng chạp), nhân dịp Tết ông Công, ông Táo, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân Nguyễn Thị Minh Nguyệt cùng đông đảo kiều bào về dự chương trình Xuân Quê hương 2025 đã thực hiện nghi thức thả cá chép tại Ao cá Bác Hồ trong khu di tích Phủ Chủ tịch, theo truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Sau khi thực hiện nghi thức thả cá chép, Chủ tịch nước Lương Cường trò chuyện, thăm hỏi tình hình đời sống, công tác, làm ăn kinh doanh của bà con kiều bào; động viên bà con luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, luôn hướng về quê hương, đất nước.
Trước đó, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân, cùng đại biểu kiều bào đã tới Điện Kính Thiên trong Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long, tiến hành các nghi lễ thành kính tưởng nhớ và dâng hương tới các thế hệ cha ông đã đổ máu xương gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Chủ tịch nước và Phu nhân cùng kiều bào đã bày tỏ lòng thành kính cầu cho quốc thái dân an, đất nước bước vào năm mới với nhiều thành công đột phá hơn nữa trên con đường phát triển, cũng như báo cáo với các bậc tiền nhân sự trở về quê mẹ của bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới.
Cũng trong sáng nay, đoàn kiều bào đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ở đường Bắc Sơn.
Tối nay, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Chủ tịch nước sẽ chúc Tết kiều bào, đánh trống khai hội xuân và chương trình giao lưu nghệ thuật, với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sỹ.
Chương trình Xuân Quê hương 2025 là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng, mở đầu cho một năm mang tính bước ngoặt đối với đất nước. Với chủ đề "Việt Nam - Vươn lên trong kỷ nguyên mới", chương trình truyền tải thông điệp về khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc, nhân dân trong nước và đồng bào ở nước ngoài một lòng phấn đấu, đoàn kết và quyết tâm để đưa đất nước bước giai đoạn mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài luôn hòa cùng dòng chảy của khối đại đoàn kết dân tộc, tham gia đóng góp nguồn lực tri thức, nguồn lực kinh tế và nguồn lực “mềm” cho Tổ quốc.
Kiều bào là nhân tố vô cùng quan trọng đóng góp cho sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào đời sống quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các tổ chức và đối tác khác. Đồng thời cùng chung tay huy động những nguồn lực quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, tính đến năm 2024, kiều bào đã đầu tư 421 dự án FDI với tổng vốn đăng ký lên tới 1,72 tỷ USD, lượng kiều hối gửi về nước năm 2024 ước tính đạt 16 tỷ USD, tiếp tục là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới và các nước nơi kiều bào sinh sống vẫn còn nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, sự tham gia của hàng trăm lượt trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và giáo dục đã mang lại đóng góp quý giá trong nhiều lĩnh vực chiến lược.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia sâu sắc với đồng bào trong nước, có nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ trẻ em mồ côi, tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trước thiệt hại nặng nề do cơn bão Yagi, kiều bào đã quyên góp trên 58 tỷ đồng cùng lượng lớn hàng hóa cứu trợ, thể hiện tình cảm gắn bó với quê hương.