Sáng 29/3, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vì có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Ông Phạm Quang Nghị sinh ngày 2/9/1949, quê quán xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Trong hơn 50 năm công tác và cống hiến, ông Phạm Quang Nghị đã rèn luyện và học tập nghiên cứu tại Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐHQG Hà Nội), Trường Nguyễn Ái Quốc 5, nghiên cứu sinh tại Liên Xô, là Tiến sĩ triết học; từng là phóng viên chiến trường và đảm nhiệm nhiều cương vị công tác ở Trung ương và địa phương. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ông Phạm Quang Nghị.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X, XI; Bí thư Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, khóa XI; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam (1997-2001); Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa - Thông tin (2001-2006); ĐBQH khóa XI; Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV, khóa XV... 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, hơn 50 năm công tác, cống hiến, trải qua nhiều cương vị, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên.

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, những thành quả mà Thủ đô Hà Nội có được như ngày hôm nay có sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ, trong đó có đóng góp quan trọng của nguyên Bí thư Phạm Quang Nghị qua hai nhiệm kỳ. 

Xúc động, nhớ lại chặng đường công tác, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chia sẻ kỷ niệm sâu sắc thấm đẫm tình thương yêu, gắn bó máu thịt với nhân dân khi còn là phóng viên chiến trường với ước mong được đứng trong hàng ngũ của Đảng; qua đó khẳng định, đây vừa là phần thưởng, vừa là hành trang quý giá nhất cho con đường sự nghiệp sau này.

Nguyên Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, trên suốt chặng đường công tác dù lúc thuận lợi hay khó khăn, bản thân luôn tâm niệm là cố gắng làm tròn nghĩa vụ của một công dân hết lòng yêu nước, một đảng viên trung thành với lý tưởng của Đảng; đồng thời luôn coi những đóng góp của mình là nhỏ bé, khiêm nhường so với những hy sinh cống hiến vô cùng lớn lao của nhân dân, của lớp lớp đội ngũ cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ.

Cũng trong sáng nay, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 của TP Hà Nội trong 10 năm qua có sự chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. TP đã giữ vững môi trường ổn định, không để xảy ra các hoạt động phá hoại, khủng bố, bạo loạn hay thành lập các tổ chức chính trị đối lập.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hà Nội cũng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giảm rõ rệt các tội phạm nghiêm trọng; kiên quyết, thận trọng trong giải quyết các vấn đề phức tạp, lợi dụng tôn giáo gây mất an ninh trật tự; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng.

Nhấn mạnh Hà Nội là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước đề nghị, Thành ủy Hà Nội tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo “Kinh tế là trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu và thường xuyên”.

Chủ tịch nước đề nghị Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và Thủ đô.

Chủ động ứng phó với mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Ngoài ra, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu diễn biến hòa bình. Phòng ngừa, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Phát triển kinh tế phải đồng bộ phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhất là đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng; xây dựng phát triển văn hóa con người thủ đô.

Chủ tịch nước cũng lưu ý nhiệm vụ phải thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố thực sự trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực....