- Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hai lần dùng từ "toàn cầu" khi yêu cầu ngành giáo dục tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

"Ngành giáo dục cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những "công dân toàn cầu" trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ".

Đây là một trong những nhiệm vụ mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu ngành GD-ĐT cần làm tốt để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra tại buổi làm việc chiều ngày 4/2 tại Bộ GD-ĐT.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân toàn cầu là đặc biệt quan trọng để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh ngành GD-ĐT cần phải đổi mới cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học, nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành và lĩnh vực để có được đội ngũ “kỹ sư toàn cầu”.

{keywords}
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT chiều 4/2. Ảnh: Lê Văn.

Trước đó, trong buổi tiếp Giáo sư Carlos Alberto Torres, Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu và đồng Chủ tịch Mạng Giáo dục Công dân toàn cầu thuộc tổ chức UNESCO sáng 21/12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang Giáo dục Công dân toàn cầu là một phần quan trọng giúp Việt Nam có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo Chủ tịch nước, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, có nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, đào tạo nhân lực có trình độ đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa là việc quan trọng hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược.

Sau đó, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chương trình Giáo dục Công dân toàn cầu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ xem xét đưa nội dung về giáo dục công dân toàn cầu vào chương trình học .

Lê Văn