Tối 22/1, chương trình Xuân Quê hương 2022 đã diễn ra tại Hà Nội, đây là sự kiện thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức, dành cho kiều bào ở khắp nơi trên thế giới trở về quê hương đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán chủ trương cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam.
Nhiều chính sách, biện pháp đã được triển khai tích cực nhằm hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, hội nhập bền vững vào sở tại và ngày càng gắn bó với quê hương, nhất là gìn giữ tiếng Việt, lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bộ trưởng Ngoại giao phát biểu khai mạc.
Bước sang năm mới 2022, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với nền tảng vững chắc của thành tựu 35 năm đổi mới, Bộ trưởng bày tỏ sự vững tin vào tương lai và thế đi lên của đất nước và dân tộc.
"Với tinh thần yêu nước, hướng về cội nguồn, phát huy cao độ tự hào dân tộc, khát khao đóng góp vào xây dựng đất nước, tôi tin tưởng rằng cộng đồng 5,3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài sẽ luôn đoàn kết, cùng nhau phát triển cộng đồng ngày càng lớn mạnh, chung tay với Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước thực hiện khát vọng, tầm nhìn phát triển đất nước vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng", Bộ trưởng cho hay.
Phát triển mạnh mẽ như “mãnh hổ” Nhâm Dần
Xúc động chào đón đồng bào ta từ khắp nơi trên thế giới trở về mái nhà chung Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi những tình cảm thân thương, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng năm mới.
Chủ tịch nước đánh trống khai hội mừng xuân.
Với sự rung cảm của tình quê Việt “Mỗi năm Tết đến Xuân về/Quê hương đất mẹ đề huề mong con”.
Chủ tịch nước nói đến không khí Tết những ngày này, tiết xuân, chồi biếc, lộc xanh tươi mới đang lan tỏa trên mảnh đất quê hương Việt Nam thân yêu. Lòng muôn người dân Việt như náo nức chờ đón một mùa xuân mới với bao niềm hy vọng mới.
Người người nô nức đi sắm cành đào, cành quất, cành mai, tất bật gói bánh Chưng, bánh Tét, thăm mộ của ông bà Tổ tiên và soạn sửa ban thờ. Người lớn, trẻ nhỏ mong quây quần bên mâm cơm gia đình dịp cuối năm... Những hình ảnh bình dị, thắm đượm tình quê hương đó như thôi thúc mỗi người con xa quê trở về để đoàn viên, sum họp.
Sáng nay, trong mưa xuân giăng bay của tiết trời Hà Nội, Chủ tịch nước đã cùng đại diện kiều bào thành kính làm lễ dâng hương tại Hoàng Thành Thăng Long và thực hiện nghi thức phóng sinh, thả cá.
Đó là những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc ngàn đời, lắng sâu trong mỗi người con mang dòng máu Việt, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều luôn nhớ quê hương như “chim có tổ, người có tông” và như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà".
Đất nước ta cũng phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức dồn dập như “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, nhất là làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân, việc làm và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội và gần đây là chủng mới Omicron khó lường.
Chủ tịch nước phát biểu tại chương trình.
Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, “trên, dưới” đồng lòng, “trong, ngoài” như một, với bản lĩnh vững vàng, hành động mạnh mẽ, sáng tạo, đất nước đã thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa thích ứng, linh hoạt kiểm soát dịch, vừa giữ vững ổn định kinh tế xã hội, đạt nhiều thành tích và dấu ấn lớn.
Dẫu còn nhiều khó khăn, hạn chế, tốc độ tăng GDP 2021 vẫn ước đạt 2,58%, kinh tế vĩ mô ổn định, kim ngạch đạt gần 670 tỷ USD, tăng 22%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Việt Nam từng bước mở cửa đón khách quốc tế sau một thời gian dài vắng lặng, các đường bay thẳng giữa Việt Nam và một số nơi được nối lại.
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả trên các kênh song phương, đa phương và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là hoạt động ngoại giao vắc xin. Vị thế, uy tín của nước ta tại ASEAN, khu vực, Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả cho hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng bà con kiều bào.
Chủ tịch nước ví von: "Trong bão táp, sóng cả của năm qua, dù chuyển động chậm hơn, nhưng con tàu Việt Nam vẫn tự tin tiến lên với những thành tựu toàn diện về kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa xã hội... thể hiện nội lực, tiềm năng, vị thế mới của đất nước. Đó là minh chứng cho bản lĩnh, khát vọng, ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, cả người dân trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài".
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta với thực thi nhiều quyết sách quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cần "hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, để yên tâm hòa hợp, sinh sống, làm việc, học tập, giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa của dân tộc ta".
Chủ tịch nước cũng cho rằng muốn "chăm lo" tốt, “hỗ trợ” đúng thì phải thường xuyên gần gũi, lắng nghe để thấu hiểu những khó khăn, tâm tư của bà con và quyết tâm thực hiện các biện pháp tháo gỡ phù hợp, thiết thực...
Vượt qua bão xoáy của dịch Covid-19, gần 600 chuyến bay đã đưa hơn 120.000 đồng bào ở nước ngoài trở về, dù cho trong nước còn rất nhiều khó khăn do dịch bệnh đang hoành hành. Mọi công việc dẫu còn chưa hoàn hảo, còn thiếu sót, nhưng đó là những nỗ lực “chăm lo”, là “nghĩa đồng bào” của quê hương đất Việt.
Chủ tịch nước bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn về dịch Covid-19, mà bà con ta phải đối mặt tại nơi xa Tổ quốc, nhưng càng tự hào hơn về những thành tựu đã đạt được.
Cộng đồng nhiều nơi đã đoàn kết, “tương thân, tương ái”, nỗ lực thích ứng với dịch bệnh, giúp nhau phục hồi công việc làm ăn, kinh doanh... Một số nơi, cộng đồng người Việt Nam có tỷ lệ phục hồi nhanh hơn so với người bản địa và các sắc tộc nhập cư khác.
Ấn tượng với nhiều trí thức giỏi, nhất là thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài ngày càng thành đạt, có nhiều thành công nổi bật, Chủ tịch nước hoan nghênh những kiều bào này đã về nước khởi nghiệp, hợp tác hiệu quả...
Mạng lưới chuyên gia trí thức kiều bào ta có nhiều tư vấn, sáng kiến hữu ích giúp đất nước về các vấn đề cấp bách và lâu dài. Lượng kiều hối 2021 tiếp tục tăng với tổng số đạt gần 14 tỷ USD, đó cũng là tình cảm, sự sẻ chia luôn đong đầy của bà con ta với Tổ quốc và với bà con nơi quê nhà.
Chương trình nghệ thuật Xuân Quê hương.
Bước sang năm mới Nhâm Dần 2022 với những thời cơ và thách thức đan xen, toàn dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi thách thức, khó khăn, phát huy tiềm năng đang bị kìm nén, để bật tăng trong phục hồi nhanh, phát triển mạnh mẽ với sức mạnh của “mãnh hổ” Nhâm Dần.
Cuộc sống “bình thường mới”, Chủ tịch nước lưu ý, công tác Người Việt Nam ở nước ngoài cũng được quan tâm sâu sắc, trước mắt là đáp ứng mong mỏi trở về quê...
Chia sẻ với nhiều bà con chưa thể về quê đón Tết dịp này, Chủ tịch nước gửi tới tất cả bà con, những người mang dòng máu con Lạc, cháu Hồng ở mọi nơi trên thế giới, tình cảm thân thương sâu lắng và xin sẻ chia tiết khí xuân ấm áp và muôn sắc hoa tươi mới của đất trời quê hương.
Ông mong rằng, đồng bào ở nước ngoài, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ luôn giữ vững tinh thần Việt Nam luôn lạc quan, không nao núng trước khó khăn, thách thức; linh hoạt, sáng tạo trước thời cơ và luôn đoàn kết.
Sau phát biểu của Chủ tịch nước, chương trình giao lưu nghệ thuật mang đến những tiết mục mang đậm không khí mùa xuân trên khắp mọi miền Tổ quốc, ca ngợi sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, cũng như khắc họa nỗi nhớ, mong ngóng được trở về quê hương mỗi dịp tết đến xuân về của bà con Việt kiều trên toàn thế giới.
Trần Thường - Phạm Hải
Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt: Tôi học về Tết, ăn bánh chưng, lì xì
Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler cho biết ông đã học được nhiều về lịch sử văn hóa đất nước con người Việt Nam đặc biệt trong dịp Tết.