Cổng giao tiếp điện tử TP.Hà Nội cho biết, tại buổi làm việc ngày 29/7/2017 với đoàn đại biểu của TP.HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn, ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Theo ông Chung, để xây dựng hiệu quả Chính phủ điện tử, từ cuối năm 2015, Hà Nội đã mạnh dạn bỏ toàn bộ hệ thống phần mềm, sever cũ để xây dựng hệ thống mới theo hướng thuê dịch vụ các tập đoàn viễn thông, kết nối chung từ thành phố tới phường, xã.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã thuê viết phần mềm phù hợp; hợp đồng với Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật thông tin dữ liệu ngay từ đầu...

Ông Chung cũng cho biết, cùng với hệ thống dữ liệu dân cư hoàn chỉnh, kết nối từ thành phố đến phường xã, Hà Nội đã triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, giảm nhiều thủ tục, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội đã dẫn chứng việc Thành phố thực hiện tuyển sinh đầu cấp qua mạng trong 2 năm gần đây, không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ xin học cho con...

Nhấn mạnh TP.Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử theo lộ trình khoa học, thí điểm từ phường xã đến quận rồi mới nhân rộng, ông Chung khẳng định, sau một năm, khung chính quyền điện tử của thành phố đã cơ bản hình thành, là nền tảng cơ bản cho việc thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân.

“Số thủ tục hành chính ở một quận tại Hà Nội rất lớn, nếu xây dựng trung tâm hành chính công tập trung sẽ không phù hợp, vì vậy Hà Nối sẽ lắp thiết bị đầu cuối đến tận nhà người dân để triển khai các thủ tục hành chính qua mạng, phục vụ người dân, doanh nghiệp tận nơi, không phải đi lại”, ông Chung cho biết thêm.

Trước đó, trong phát biểu tại hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức cuối tháng 6/2017, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhận định, một trong những kết quả nổi bật Hà Nội đã đạt được trong thời gian 1 năm kể từ hội nghị Xúc tiến đầu tư của thành phố năm 2016 là việc Thành phố tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

“Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng như đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. Thành phố tập trung triển khai đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đầu cuối để hỗ trợ công dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công ngay tại nhà”, ông Chung chia sẻ.

Người đứng đầu UBND Thành phố cũng nhấn mạnh, trên cơ sở rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở ban ngành, sau 1 năm, Hà Nội đã cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính. Cụ thể, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm từ 40-60%; lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%...

Thông tin cụ thể về tình hình ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử của TP.Hà Nội trong nửa đầu năm nay, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT khẳng định, công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước Thành phố tiếp tục được triển khai tích cực và đồng bộ.

Cùng với việc tiếp tục duy trì thuê dịch vụ Trung tâm dữ liệu chính và thuê mở rộng cơ sở hạ tầng như máy chủ, phần mềm hệ thống, thiết bị bảo mật... phục vụ hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phần mềm chuyên ngành giáo dục, Thành phố cũng duy trì Trung tâm dữ liệu dự phòng tại Sở TT&TT, đảm bảo hoạt động ổn định 24/24h đường truyền cáp quang kết nối giữa Trung tâm dữ liệu chính và Trung tâm dữ liệu dự phòng.

Hà Nội đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn; đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp xã để triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng chuyên ngành. Công tác an toàn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực luôn được Thành phố đặc biệt chú trọng, quan tâm.

Hiện 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng. 90% văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật). 100% cán bộ, công chức khai thác, sử dụng hộp thư điện tử trao đổi thông tin trong công việc.

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội tiếp tục khai thác hiệu quả CSDL dân cư để triển khai các các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố; hoàn thành thí điểm số hóa dữ liệu hộ tịch tại quận Long Biên để làm cơ sở triển khai diện rộng trong năm 2017; tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2017 - 2018; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến 168 phường, 12 quận và 10 sở…

Đáng chú ý, theo thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, tính đến tháng 6/2017, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Thành phố đã có trên 4.700 cán bộ được cấp tài khoản, với gần 5,4 triệu lượt truy cập và tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt trên 90%. Những lĩnh vực có tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng cao là hải quan đạt 100%; thuế 97%; tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt trên 90%...

Đề cập đến định hướng phát triển thời gian tới, lãnh đạo Thành phố đã xác định rõ một trong các nhiệm vụ trọng tâm của chặng đường từ nay đến năm 2020 là hướng tới xây dựng Thành phố thông minh.

Đồng thời, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: số hóa đồng bộ các CSDL cốt lõi (dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tư pháp, hộ tịch, cán bộ công chức); hoàn thành hệ thống một cửa điện tử 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2017 trên 40% và đến năm 2020 là 70-80%; triển khai thực hiện bãi đỗ xe điện tử, quan trắc môi trường điện tử; xây dựng đô thị thông minh.