- Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê của sông Hồng mà chỉ kiến nghị thay kết cấu đê đất thành đê bê tông đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định tại hội nghị công tác phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội sáng nay.

Ông Chung cho hay, Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê của sông Hồng mà chỉ kiến nghị thay kết cấu đê đất thành đê bê tông đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Như thế, kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp và sẽ cân.

{keywords}
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

“Nếu chuyển đê đất sang đê bê tông, chúng ta mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m nữa. Khu vực từ khách sạn Thắng Lợi cho đến An Dương, chúng tôi đã xin ý kiến toàn bộ dân cư và họ đồng tình rất cao là khi làm con đường như vậy thì giao thông sẽ thuận lợi, lưu thông tốt hơn. 

Đặc biệt, người dân đi từ đê xuống 2 khu vực đê sẽ tốt hơn khi hạ được độ dốc”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Cũng theo ông Chung, khu vực này ở ngoài đê, người dân đã xây nhà kín dọc theo đê. Mặt đê bê tông này không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng nước khi nước nâng cao.

“Với công nghệ hiện nay chúng ta làm đê bê tông hoàn toàn có thể chịu lực được. Chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT sớm có ý kiến để có thể triển khai dự án này”, lãnh đạo TP đề xuất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi Trần Quang Hoài cũng khẳng định lại, Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu đê chứ không phải hạ cốt đê sông Hồng khu vực này.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, hiện Hà Nội đang lập quy hoạch các tuyến đê, trong đó có đoạn đê sông Hồng chạy trên địa bàn TP dưới sự tài trợ vốn của các DN. 

Ông đề nghị Bộ NN&PTNT cử nhóm phối hợp với Hà Nội ngay từ đầu để triển khai nhanh tốc độ vấn đề này cũng như đẩy nhanh triển khai quy hoạch phân lũ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.

“Hiện có 825 ngàn người dân sống bên vùng bãi các con sông TP Hà Nội, không trường học, không trạm y tế, hệ thống điện không được xây, cuộc sống vô cùng bức bách. Nếu chúng ta quy hoạch nhanh, HN sẽ triển khai được việc xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội để phục vụ cho người dân ở đây”, ông Chung nói.

1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn TP, hệ thống đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có chiều dài 231,246km từ đê cấp II đến cấp đặc biệt. 

Những năm qua, TƯ, Hà Nội đã được đầu tư duy tu, sửa chữa bảo đảm mặt cao trình chống lũ, sửa chữa mặt đê và xây dựng hành lang để phục vụ công tác phòng, chống lũ bão.

Tuy nhiên, trên hệ thống đê còn nhiều đoạn chưa bảo đảm mặt cắt, mặt đê chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông đi lại, một số đoạn còn tiềm ẩn những ẩn họa, trong khi các tuyến đê này là các tuyến đê cấp đặc biệt và cấp I. Các tuyến kè bảo vệ bờ, còn 146,6km/265km chưa được gia cố, trong đó có 40km có nguy cơ sạt lở cao và 4km các tuyến kè cũ đã hư hỏng.

TP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT đầu tư kinh phí để nâng cấp hệ thống đê, thực hiện các dự án kè gia cố chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi Trần Quang Hoài, từ 2011-2016, ở Hà Nội có 1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều. Đến nay, TP mới giải quyết dứt điểm được 162 vụ, chưa đến 10%.

Hà Nội đề xuất xây dựng chợ đầu mối 250 triệu USD

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm tới đề xuất của Hà Nội về xây dựng chợ đầu mối lớn, hiện đại với giá trị đầu tư lên tới 250 triệu USD.

Lãnh đạo Thành uỷ khẳng định, đây sẽ bước đi đột phá, là một trong các điều kiện để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, giúp loại bỏ hơn 100 chợ cóc đang tồn tại.

Đồng tình với đề xuất này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội triển khai xây dựng chợ đầu mối quy mô lớn này, hướng tới phục vụ chung cho toàn vùng.

Hương Quỳnh