Vị chủ tịch viết đơn tình nguyện, "trốn vợ" vào tâm dịch
Ông Phạm Văn Mẫn cùng đội ngũ y tế tình nguyện tại tâm dịch Bắc Giang. |
“Hình ảnh những em nhỏ một năm tuổi chưa biết tự ăn, tự vệ sinh cá nhân đã phải cách ly xa bố mẹ; các cựu chiến binh ngày đêm trực chốt bảo vệ tại các điểm nóng, tổ dân phố ra sức hỗ trợ khu cách ly; đội ngũ y bác sĩ căng mình ngày đêm quên ăn quên ngủ không ngại hiểm nguy trực tiếp cứu chữa để mang lại mạng sống cho các bệnh nhân…đã khiến cho tôi, một người đàn ông có đủ sức khỏe, tinh thần chiến đấu băn khoăn, trăn trở ngày đêm, muốn đóng góp sức mình vào công tác chống dịch tại Việt Nam cụ thể là các tuyến đầu của tỉnh Bắc Giang”.
Đây là nội dung lá đơn tình nguyện của ông Phạm Văn Mẫn, được biết đến với vai trò Chủ tịch Công ty Cổ phần Mobicast (điều hành mạng di động ảo Reddi) gửi đi vào những ngày cuối tháng 5, khi Bắc Giang đang là tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Chỉ vài ngày sau đó, vị doanh nhân 67 tuổi đầy xông xáo, nhiệt thành này đã có mặt tại tâm dịch Bắc Giang, khi lá đơn tình nguyện được chấp thuận. Hành trang lên đường gọn ghẽ chỉ vài bộ quần áo bởi ông giấu vợ con. Ông chỉ gọi điện thông báo với gia đình khi đã ở trong tâm dịch.
“Gia đình tôi rất hiểu và chia sẻ, nhưng chuyến đi này đối mặt với sự nguy hiểm. Hàng ngày, mình chuyên chở các bác sĩ là những người trực tiếp chữa trị cho các F0. Do đó, nếu nói trước thì sẽ rất khó đi”.
“Tôi gọi điện thoại về cho gia đình thông báo lá đơn tình nguyện tham gia chống dịch của mình đã được Bộ Y tế và Ban phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang chấp thuận. Cả nhà và bạn bè xúc động và cũng ngạc nhiên không nghĩ rằng mình đi vào tâm dịch Bắc Giang. Nhưng bây giờ họ đã hiểu và ủng hộ".
Dẫu vậy, ông cũng tâm sự: "Nếu gia đình và bạn bè có ngăn cản thì mình cũng phải đi thôi”.
“Bác sĩ gọi ở đâu là mình ở đó”
Ông Phạm Văn Mẫn chuyên chở đội ngũ y tế chữa cho các ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang. |
Yên tâm bàn giao công việc điều hành mạng di động cho đội ngũ cộng sự, ông Phạm Văn Mẫn lên đường với công việc vận chuyển các y, bác sĩ bằng những chiếc ô tô mua từ tiền túi.
Là người thường xuyên làm công tác từ thiện, hỗ trợ các địa phương nhưng ông Mẫn cho biết chuyến đi này đối với ông rất khác biệt. “Tôi và anh em từng đi hỗ trợ ở nhiều địa phương, chẳng hạn như mùa lũ vừa rồi ở miền Trung, chúng tôi đi vào, tặng cano cho lực lượng công an ở các tỉnh Quảng Trị, Huế….nhưng hầu như lúc đó mình chỉ đứng ở trên điểm cao chứ không xuống các vùng lũ. Như vậy có cái khó là không thấu hiểu vùng lũ người cần gì”.
“Chuyến đi này của tôi vừa là trải nghiệm, vừa là trực tiếp đến vùng dịch để xem họ thực sự cần gì. Và các đoàn tài trợ hướng đến Bắc Giang trong đợt dịch bệnh này đã tài trợ trúng, đúng chưa. Đó chính là lý do tại sao tôi lại ở đây lâu như vậy”, ông Phạm Văn Mẫn chia sẻ.
Một hình ảnh đời thường trong tâm dịch, ông Mẫn cắt tóc để thuận tiện hơn cho công việc. |
Với công việc chính chuyên chở bác sĩ vào khu chữa bệnh cho các ca F0, ông Phạm Văn Mẫn di chuyển thường xuyên, liên tục mỗi khi đội ngũ y tế cần.
Khi được hỏi về những chuyến xe của mình, ông Phạm Văn Mẫn cười xòa: “Tôi như là tài xế taxi ấy mà, chuyến xe trong ngày chả đếm được đâu. Bác sĩ điện thoại ở đâu thì mình đi đó. Nhiệm vụ của tôi là vận chuyển bác sĩ đến các khu điều trị F0”.
"Xin” tiếp tục ở lại cùng Bắc Giang chống dịch
Cho đến nay, Bắc Giang vẫn là một trong những “điểm nóng” khi các ca nhiễm Covid-19 vẫn nằm trong nhóm cao nhất nước. Các bác sĩ tuyến đầu phải căng mình chống dịch và những chuyến xe của ông Mẫn cũng theo chân họ không quản ngày đêm.
Chia sẻ rằng cũng có những thời điểm lo sợ bởi sức khỏe của mình có vấn đề, nhưng điều ông Phạm Văn Mẫn trăn trở là điều kiện sinh hoạt của các bác sĩ tuyến đầu.
“Thương các y bác sĩ ngày đêm gồng mình chống dịch, làm xuyên ca đêm, ca sáng chưa kịp ăn gì lại dồn vào một bữa trưa. Bệnh viện dã chiến 600 giường ở Bắc Giang cũng tổ chức cho bác sĩ ngủ tại chỗ nhưng điều kiện tập trung rất đông người, nắng nóng không có điều hòa nhiệt độ, nhà vệ sinh thì ít. Càng thấy thương các y bác sĩ nữ nhiều hơn”, ông Mẫn bày tỏ.
Trong những ngày ở tâm dịch, ông Phạm Văn Mẫn chia sẻ mình đã trải nghiệm nhiều câu chuyện và rất muốn kể về những tấm gương cao thượng của các y bác sĩ, lực lượng vũ trang, đội ngũ tình nguyện viên...
Sau nửa tháng tình nguyện, tối qua (16/6 - PV) một bữa cơm chia tay tiễn ông về Hà Nội đã được tổ chức. Nhưng vị chủ tịch này cho biết: "Bệnh dịch ở đây vẫn không thuyên giảm, hai bàn chân cứ níu kéo tôi lại. Tôi đã có lá đơn xin Sở Y tế Bắc Giang cho ở thêm một thời gian nữa. Đến khi nào dịch bệnh tạm ngưng thì tôi sẽ về”.
Duy Vũ
Công nghệ "xông trận" chống dịch ở Bắc Giang
Hội chẩn bệnh từ xa, vận hành thi trực tuyến cho học sinh, đẩy mạnh hệ thống dịch vụ công trực tuyến đang là những giải pháp công nghệ giúp Bắc Giang duy trì hoạt động khi dịch Covid-19 bùng phát.