Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt PostBank cho rằng, ngành ngân hàng hoàn toàn có thể đi trước một bước trong cuộc CMCN 4.0 vì sở hữu sẵn nền tảng về công nghệ, con người và tiềm lực tài chính. |
Lý giải cho điều này, ông Thắng cho rằng, ngành ngân hàng hoàn toàn có thể đi trước một bước vì sở hữu sẵn nền tảng về công nghệ, con người và tiềm lực tài chính. “Trên cơ sở đó, ngành ngân hàng xác định việc cần nâng cao chất lượng phục vụ để cạnh tranh”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của Bộ Chính trị ra đời rất kịp thời để định hướng khi cả nước đang bước vào cuộc CMCN 4.0, từ người dân, doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các Bộ ban ngành sẽ có các quy định cụ thể hơn như Đề án chuyển đổi số quốc gia - một căn cứ, định hướng cụ thể cho quá trịnh chuyển đổi số ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, để bước lên con tàu CMCN 4.0, bên cạnh sự quyết tâm của hệ thống chính trị, chúng ta cần rất nhiều điều kiện khác. Cụ thể, cần sớm cải cách thể chế, những quy định pháp luật để tạo điều kiện cho chuyển đổi số, cho những ứng dụng mới của CMCN 4.0 phát triển, Bên cạnh đó, nguồn lực của Việt Nam cũng chưa sẵn sàng và phải có sự chuẩn bị. “Cuối cùng, chúng ta cần tích cực tiếp cận những công nghệ cao trên thế giới”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng khẳng định, mục tiêu của Nghị quyết đang định hướng rất dài hạn 15-20 năm, hay thậm chí đến năm 2045. Tuy nhiên, mục tiêu của Nghị quyết hoàn toàn khả thi miễn có sự quyết tâm từ Đảng, Chính phủ cho đến cá nhân, doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thắng, để bước lên thành công con tàu CMCN 4.0, chúng ta cần 3 thành tố bao gồm thể chế, con người và công nghệ. Trong đó, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chia sẻ, thể chế phải đi tiên phong vì nếu áp đặt thể chế cũ vào cuộc cách mạng mới sẽ không thể thành công được. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Đề án chuyển đổi số được ký ban hành tới đây thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ về việc cập nhật, thay đổi thể chế để phù hợp hơn với cuộc CMCN 4.0. “Tôi cho rằng đây là điều kiện tiên quyết trong cuộc CMCN 4.0”, ông Thắng nói.
Yếu tố thứ hai để chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0, nhân lực phải có sự đồng bộ. Nhưng nếu triển khai tuần tự thì phải hơn 20 năm nữa, chúng ta mới có một đội ngũ nhân lực phù hợp vì cần trải qua cải cách toàn diện, cải cách về giáo dục. Nếu muốn nhanh hơn, chúng ta có thể đào tạo nâng cao, đào tạo nhân bản lên bằng cách đào tạo lại những kiến thức mới mà trước đây chưa đào tạo trong ghế nhà trường. Cụ thể, chúng ta có thể đào tạo nhân bản bằng cách chọn những người giỏi để đào tạo chuyên ngành như AI, Blockchain, Big Data, Cloud, Robot… từ vài chục người rồi nhân lên vài trăm ngàn, vài ngàn kỹ sư công nghệ cao.
Cuối cùng, công nghệ là yếu tố dễ thực hiện nhất vì thế giới đã có những công nghệ mới này và chúng ta có thể tìm hiểu, nắm bắt những công nghệ tiên tiến nhất thông qua quá trình hợp tác, chuyển giao, thuê tư vấn. “Chỉ khi làm chủ được công nghệ thì chúng ta mới bước lên con tàu CMCN 4.0 một cách bền vững nhất”, ông Thắng kết luận.
Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 mới được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
Nghị quyết của Bộ Chính trị cho rằng, mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của Việt Nam còn thấp khi mà thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế; cơ cấu và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học công nghệ chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động… Trong đó, hầu hết đến từ những nguyên nhân chủ quan như nhận thức về CMCN 4.0 còn hạn chế; tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện còn chậm, sức ỳ lớn; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập…
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị cho rằng CMCN 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức nên phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp thông qua cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.