Chủ tịch luân phiên Huawei Ken Hu trong cuộc họp báo ngày 18/12 |
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo tại thành phố Đông Hoản (Trung Quốc) hôm 18/12, Phó Chủ tịch Huawei Ken Hu khẳng định: “Bất chấp các nỗ lực tiếp thị nhằm tạo sự sợ hãi về Huawei, sử dụng chính trị để can thiệp vào tăng trưởng, khách hàng tiếp tục tin tưởng chúng tôi và tiếp tục cộng tác, xây dựng mạng lưới bằng công nghệ của chúng tôi”.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông hàng đầu thế giới, đang trong thời kỳ bất ổn. Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada, đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ do nghi ngờ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran, trong khi sản phẩm của hãng bị chính phủ và doanh nghiệp khắp nơi nghi ngờ về sự an toàn.
Dù Úc và New Zealand cấm các nhà mạng sử dụng thiết bị Huawei xây mạng 5G, ông Hu bày tỏ sự tự tin rằng công nghệ của mình “hiện đại hơn đáng kể” các đối thủ, đi trước họ từ 12 đến 18 tháng và có khả năng thu hút khách hàng mới. “Nó giống như cuộc thi chạy mà chúng tôi là người dẫn đầu”, vị lãnh đạo Huawei tiếp tục. Ông xác nhận Huawei đang trên đà đạt được mục tiêu doanh thu hơn 100 tỷ USD vào năm nay, tăng từ 92 tỷ USD năm 2017. Công ty hiện đã có hơn 25 hợp đồng 5G thương mại và cung cấp hơn 10.000 trạm gốc 5G.
Ngay cả khi bà Mạnh bị bắt giữ, các hoạt động kinh doanh của Huawei vẫn diễn ra bình thường, còn đội ngũ lãnh đạo cấp cao vẫn công du nước ngoài như kế hoạch. Ông Hu từ chối bình luận về vụ việc của bà Mạnh nhưng bày tỏ tin tưởng vào sự tuân thủ pháp luật của Huawei và hệ thống tư pháp Mỹ và Canada. “Chúng tôi chờ đợi kết luận công bằng”.
Ông Hu vừa trở về Trung Quốc từ châu Âu, một trong các thị trường mà công ty đang đối diện với các nghi vấn mới về tính bảo mật của sản phẩm. Orange, nhà mạng lớn nhất của Pháp, vừa thông báo không sử dụng thiết bị Huawei trong mạng lõi 5G tại nước này. Nhà mạng Deutsche Telekom của Đức nói đang thảo luận về tính an toàn của các trang thiết bị do Trung Quốc sản xuất.
Ông Hu hiểu được nỗi lo lắng từ khách hàng và nhà chức trách nhưng nhấn mạnh không có bằng chứng thiết bị Huawei “bộc lộ nguy cơ bảo mật” trong 30 năm qua. Các thập kỷ gần đây, công ty tăng tốc nhanh chóng trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Đối thủ của Huawei bao gồm Ericsson, Nokia và ZTE.
Chính phủ Mỹ từ lâu đã lo ngại về Huawei và năm nay tìm mọi cách hạn chế sử dụng sản phẩm Huawei tại Mỹ. Quan chức Mỹ đã cảnh báo chính phủ Trung Quốc sử dụng thiết bị Huawei để gián điệp nhưng Huawei liên tục phủ nhận. Thậm chí, theo Thời báo Phố Wall, Mỹ còn thuyết phục đồng minh hành động tương tự.
Huawei đang nỗ lực để giải quyết mọi lo lắng của chính phủ và đối tác, cũng như chi hàng tỷ USD cho các phần mềm liên quan đến bảo mật. Chẳng hạn, Huawei có kế hoạch ra mắt một trung tâm bảo mật tại Brussels (Bỉ) vào quý I/2019 như một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm mở rộng hợp tác với các chính phủ khác trên thế giới như Canada và Vương quốc Anh. Song, ông phản đối các “quyết định vô trách nhiệm” của vài nước mà ông cho là dựa trên các “suy đoán vô căn cứ” nhằm vào một công ty cụ thể.