Dư luận đã nổi sóng ngay sau đề xuất của Hà Nội về chia sẻ dữ liệu dân cư tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương hôm 2/7.

Tối cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có những trao đổi thêm trước đề xuất đang gây nhiều luồng ý kiến khác nhau với phóng viên Infonet.

Người dân hưởng lợi

Người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội cho rằng, dư luận đang có sự hiểu nhầm trước thông tin này.

Ông Nguyễn Đức Chung đưa ra lý giải: Theo luật dân cư, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư hiện nay giao cho Bộ Công an; theo Luật phí và Lệ phí quy định thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư do Bộ Công an thực hiện. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an thực hiện phải đến 2020 – 2021 mới xong.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

“Cơ sở dữ liệu này bản chất như chứng minh thư, như thông tin trong hộ chiếu chứ không có gì cả”, ông Chung nói.

Cơ sở dữ liệu dân cư là những thông tin như trong chứng minh nhân dân, hộ chiếu và thông tin trong hộ khẩu gồm khoảng bảy thông số, không phải những thông tin về bí mật đời tư, cá nhân.

Về việc bảo mật tránh bị khai thác thông tin vào mục đích xấu, ông Chung nói không đáng lo vì cơ quan quản lý sẽ bảo mật. Hệ thống mạng dữ liệu sẽ kiểm soát được, truy vết được ngày nào, ai mở xem và mở cái đó nhằm mục đích gì. Ngoài ra, người khác chỉ mở được khi người dân cung cấp đúng mã. Tức là không phải ai muốn truy xuất cũng được, giống như người dân đang dùng thẻ ngân hàng, phải đọc được số thẻ và mã số.

Trước kia tỉnh nào biết tỉnh ấy, bây giờ Bộ Công an tích hợp vào làm một giống như cơ sở dữ liệu BHYT được BHXH Việt Nam thực hiện quản lý trên toàn quốc 3 năm nay.

Cũng giống như việc xin visa vào các nước ở Châu Âu, cho dù anh muốn xin visa vào Pháp nhưng nếu anh vào Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ họ cũng biết… Đó chính là hình thức chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin sẽ được nối tới tất cả các cửa khẩu. Mỗi nơi đó phải cấp quyền được mở, cấp quyền được viết và kiểm soát được, tất cả phần mềm sẽ giải quyết việc đó.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng tại sao Hà Nội lại có đề xuất này, ông Chung cho biết, nếu chờ Bộ Công an đến năm 2020- 2021 mới xong cơ sở dữ liệu dân cư này, trong khi hiện tại Hà Nội đã thực hiện xong.

Thay vì chờ Bộ Công an thì Hà Nội đề xuất dựa trên quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương thì việc quản lý dân cư do thẩm quyền Chủ tịch UBND TP và Chủ tịch UBND TP được ban hành giá. 

“Ý tôi nói hôm nay là thay vì chờ tới năm 2020- 2021 mới thực hiện xong cơ sở dữ liệu dân cư để Bộ Công an áp dụng thực hiện thu theo Luật phí và Lệ phí thì giao cho Hà Nội thí điểm được phép ban hành giá dịch vụ để cho các đơn vị nào muốn thực hiện thì phải trả phí đó chứ người dân không phải trả”, ông Chung giải thích thêm.

Ông Chung cũng cho biết những lĩnh vực dùng nhiều đến cơ sở dữ liệu này đó là: Công chứng, liên quan các dịch vụ bán hàng, ngân hàng, chống làm giả (các loại chứng minh thư, bằng giả…). Tới đây phải số hóa và thực ra các quy định có hết rồi nhưng chúng ta chưa làm.

Hà Nội mới đề xuất, chờ quyết định của Chính phủ

“Hà Nội xong rồi nên Thành phố mong muốn được làm thí điểm. Song có lẽ thời gian hạn chế (theo quy định mỗi địa phương chỉ được báo cáo không quá 8 phút tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ mặc dù Hà Nội đã vượt “khung”- PV)  nhưng do trình bày nhiều nội dung nên ở đề xuất này mọi người chưa hiểu. Còn thực ra tôi nói theo đúng luật chứ không nói gì thêm”, ông Chung bày tỏ.

Một lần nữa, ông Chung cũng khẳng định việc chia sẻ dữ liệu dân cư sẽ giúp mang lại lợi ích rất lớn cho người dân. Chẳng hạn như việc mua sim, điện thoại thay vì phải đưa chứng minh thư như hiện nay thì chỉ cần một thao tác nhấp chuột thông tin khách hàng sẽ được hiện lên (nếu cơ sở dữ liệu này được cập nhật), thủ tục mua bán đã được hoàn tất. Khách hàng không phải mang theo chứng minh thư, cũng chẳng mất thời gian quay về để lấy nếu lỡ để quên. “Như vậy người dân sẽ được hưởng lợi”, ông Chung nói.

 “Mình bây giờ trong túi, trong ví nhiều thứ quá. Khi còn làm giám đốc Công an tôi hay gặp các chị em đi ra đường, dừng lại mua hoa quả bị móc mất ví, mất 4- 5 loại giấy tờ. Thế là mất hết. Bây giờ thay vì đem tới 4- 5 giấy tờ bên người thì người dân chỉ cần nhớ mã số định danh là xong”, ông Chung chia sẻ.

Ông Chung cũng lưu ý, đây mới là đề xuất của Hà Nội còn được thực hiện hay không còn chờ quyết định của Chính phủ. Vấn đề này Hà Nội cũng đã đề xuất cách đây hơn một năm, cho đến hôm nay mới đưa công khai. Tới đây, nếu Chính phủ thông qua được thì rất có lợi cho cả cái chung và cho cả người dân.

Theo người đứng đầu Chính quyền Thành phố, ông đã tìm hiểu  nội dung này ở các nước Châu Âu, Mỹ hay những “thủ phủ” của công nghệ. “Theo kinh nghiệm các nước mà tôi biết thì thành phố, địa phương nào mạnh thì Chính phủ cho ứng dụng trước để rút kinh nghiệm. Chứ mai kia tôi sợ cùng một lúc 63 tỉnh thành với hơn 90 triệu dân thì e rằng chả có sever (máy chủ chứa dữ liệu - PV) nào mà chứa được, chắc chắn phải nhiều trung tâm cơ sở dữ liệu chứ làm sao một trung tâm thực hiện được. Đặc biệt cơ sở dữ liệu đều được bảo mật tuyệt đối chứ không phải ai cũng có thể mở được”, ông Chung bày tỏ.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáng 2/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho TP Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.

Nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm thành phố Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này. Để thực hiện thu giá dịch vụ, Chủ tịch TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin (đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…).

Ngoài ra, Chính phủ sớm có hướng dẫn, tháo gỡ các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành.