Tối nay (28/4), phố đi bộ đầu tiên của tỉnh Hải Dương sẽ đi vào khai thác với kỳ vọng là cú hích, điểm nhấn ấn tượng mở đầu cho giấc mơ lớn về phát triển du lịch tại địa phương này.
Để chuẩn chị cho công tác khai trương phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng ở TP. Hải Dương, sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã có buổi kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị liên quan.
Theo ông Hùng, công tác tổ chức phải tạo được ấn tượng, điểm nhấn bằng việc kết hợp đan xen các hoạt động, chương trình phù hợp, đáp ứng nhu cầu của từng tầng lớp nhân dân và trên nhiều lứa tuổi; phải tạo ấn tượng với người dân, du khách khi tham quan phố đi bộ, chợ đêm từ những việc làm nhỏ nhất.
Ông Hùng nhấn mạnh, để tạo giá trị lâu dài, ý nghĩa cho hoạt động này, TP. Hải Dương và các đơn vị liên quan phải tạo ra những hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thương mại có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của TP. Hải Dương, các đơn vị tài trợ trong việc gấp rút thực hiện các phần việc để chuẩn bị chu đáo cho khai trương phố đi bộ, chợ đêm.
"Phố đi bộ, chợ đêm phải văn minh từ cách ứng xử tới hành động. Các dịch vụ tại đây, nhất là kinh doanh thương mại cần công khai, minh bạch, rõ ràng để tạo thiện cảm với người tham quan. Thành phố cần định hướng xây dựng văn hóa phố đi bộ, chợ đêm văn minh, lịch sự. Từ đó tạo thành cộng đồng văn hóa, thương mại, du lịch, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân", ông Hùng lưu ý.
Tại thư viện tỉnh, ông Hùng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có trụ sở trong không gian tổ chức phố đi bộ, chợ đêm có thay đổi phù hợp để đáp ứng yêu cầu của người dân, du khách.
Khẳng định phải đề cao giá trị văn hóa truyền thống tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng, ông Hùng đề nghị TP. Hải Dương lồng ghép các hoạt động truyền thống như múa rối nước, hát chèo… đan xen với các chương trình nghệ thuật hiện đại theo xu thế.
Việc bố trí chương trình văn nghệ, hoạt động trải nghiệm cần tính toán phù hợp, tránh dàn trải, nhiều nội dung song không thu hút và mang lại hiệu quả cao. Sau ngày khai trương, thành phố phải tổ chức rút kinh nghiệm để làm căn cứ, cơ sở xây dựng chương trình thời gian tới.
“Về việc tổ chức hoạt động thương mại, buôn bán tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng, TP. Hải Dương phải ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân sinh sống cạnh tuyến phố được kinh doanh. Có như vậy, các hộ mới chủ động, tích cực trong việc trang trí, gìn giữ cảnh quan tuyến phố.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu bán hàng tại phố đi bộ, chợ đêm sẽ bố trí xe hàng lưu động ở đường Chương Dương, nơi không có nhà dân. UBND tỉnh sẽ đề nghị Sở Công Thương phối hợp, hỗ trợ TP. Hải Dương trong việc tổ chức các gian hàng, nhất là gian hàng bày bán sản phẩm OCOP, mang đặc trưng vùng miền.
Các cơ quan, đơn vị có trụ sở trong không gian tổ chức phố đi bộ, chợ đêm cần chỉnh trang khuôn viên, góp phần xây dựng hình ảnh tuyến phố khang trang, sạch đẹp”, Chủ tịch tỉnh Hải Dương chỉ đạo.
Lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra mất an ninh trật tự trong thời gian tổ chức phố đi bộ, Chủ tịch tỉnh Hải Dương yêu cầu lãnh đạo TP. Hải Dương đặc biệt quan tâm tới các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế…. Thành phố phải xây dựng kịch bản, phương án chi tiết, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, bảo đảm ứng phó, ứng cứu kịp thời. Đồng thời, phải nghiên cứu chế độ, phụ cấp cho lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tại phố đi bộ, chợ đêm.
Theo UBND TP Hải Dương, thành phố xây dựng các chương trình văn hóa, văn nghệ tại phố đi bộ thay đổi theo tuần và đã có kế hoạch thực hiện đến hết năm 2023.